Kêu gọi quốc tế tăng cường đầu tư vào châu Phi

LHQ kêu gọi quốc tế giúp châu Phi tiếp cận các thị trường xuất khẩu một cách bình đẳng hơn và đầu tư hơn nữa vào châu lục này.
Ngày 12/10, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp châu Phi tiếp cận các thị trường xuất khẩu một cách bình đẳng hơn và đầu tư hơn nữa vào châu lục này.

Phát biểu tại Diễn đàn tri thức thế giới lần thứ 12 diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc, bà Migiro nói: “Mặc dù viện trợ vẫn quan trọng đối với đa số các nước châu Phi, nhưng thời kỳ hậu độc lập đã cho thấy rằng chỉ viện trợ là không đủ. Châu Phi cần được tiếp cận các thị trường một cách bình đẳng hơn để có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình mà không gặp phải các rào cản; cần khả năng tiếp cận tốt hơn các công nghệ tiên tiến với mức chi phí hợp lý để xây dựng các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh; cần có thêm các khoản đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng; và cần không gian chính sách lớn hơn để soạn thảo và hoàn thiện các chương trình phát triển của chính họ.”

Bà Migiro khẳng định rằng châu Phi cần được công nhận là một thị trường đầu tư mới mang lại lợi nhuận thuộc diện cao nhất thế giới khi lưu ý rằng châu lục này có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, như kim cương, vàng và dầu mỏ.

Châu Phi có diện tích đất trồng trọt chưa được khai thác lớn nhất thế giới, đây là một tài sản chiến lược khi mà các cuộc khủng hoảng lương thực đang trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Theo bà Migiro, có nhiều yếu tố tích cực như tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn, tỷ lệ đói nghèo và nhiễm HIV/AIDS giảm... để tin rằng châu Phi đang chuẩn bị hồi sinh về kinh tế.

Quan hệ thương mại và đầu tư với các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những tác động tích cực đối với sự phát triển của châu Phi trong những năm tới.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Migiro lưu ý rằng sự phát triển của châu Phi chưa bao gồm sự phát triển về con người khi chỉ số phát triển về con người (HDI) của châu lục này trong năm 2010 vẫn thấp nhất thế giới.

Do đó theo bà, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm giúp châu Phi duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển về con người.

Ngoài ra, bà Migiro cũng nhấn mạnh rằng bản thân người dân châu Phi cũng phải cố gắng tiếp tục đổi mới để làm cho các nền kinh tế của mình hấp dẫn hơn, đồng thời đảm bảo rằng dân chúng được hưởng lợi từ những khoản đầu tư nước ngoài.

Bà Migiro cho rằng phát triển phải bao gồm việc giảm thất nghiệp, chống tham nhũng và củng cố các cơ quan quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục