Tòa án Ai Cập xem xét đơn kiện tuyên bố hiến pháp

Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập (SCC) sẽ xem xét 12 đơn kiện chống lại bản tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi của Tổng thống Morsi.
Ngày 26/11, Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập (SCC) cho biết sẽ bắt đầu xem xét 12 đơn kiện của các luật sư và các nhà hoạt động chống lại bản tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi của Tổng thống Mohamed Morsi vào ngày 4/12 tới.

Động thái này được cho là lời tuyên chiến công khai của giới chức tòa án trong khi tuyên bố hiến pháp được ban hành ngày 22/11 quy định các cơ quan tư pháp không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Morsi ban hành kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30/6 vừa qua cho đến khi hiến pháp mới được phê duyệt và quốc hội mới được bầu ra.

Các đơn kiện cho rằng bản tuyên bố hiến pháp nói trên của tổng thống chỉ mang tính chất "hành chính" chứ không phải "hiến pháp" và do vậy các cơ quan tư pháp có quyền kháng cáo.

Đơn kiện của Chủ tịch Câu lạc bộ thẩm phán Ahmed El-Zend đòi bãi bỏ tuyên bố hiến pháp của tổng thống với cáo buộc văn bản này "vi phạm pháp luật và các chuẩn mực hiến pháp."

Ông El-Zend cũng lập luận rằng tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp và do vậy không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố hiến pháp nào khi chưa được đưa ra trưng cầu ý dân.

Cùng ngày, Hội đồng Nhà nước, một trong năm cơ quan có thẩm quyền xét xử tại Ai Cập, tuyên bố có quyền đưa ra phán quyết về bản tuyên bố hiến pháp của tổng thống. Theo Hội đồng Nhà nước, văn bản của tổng thống đã làm suy yếu vai trò của Hội đồng - cơ quan có thẩm quyền xem xét tính chất hợp pháp của các sắc lệnh hành chính.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/11, 18 chính đảng cánh tả và tự do, trong đó có các đảng Liên minh Nhân dân, Hiến pháp, Liên minh Nhân dân Xã hội chủ nghĩa, Dân chủ Xã hội Ai Cập, Karrama, Ai Cập Tự do... đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Morsi hủy bỏ tuyên bố hiến pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục