Chứng khoán châu Á-TBD lại có một phiên trái chiều

Các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương biến động trái chiều, khi đồng USD giảm giá và kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Chiều 2/4, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương biến động trái chiều, khi đồng USD giảm giá và các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước các số liệu mới cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Phiên này, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 131,59 điểm (1,08%) và đóng cửa ở mức 12.003,43 điểm, trong bối cảnh đồng yen lên giá trước thông tin tiêu cực từ kinh tế Mỹ và mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone).

Nhà phân tích thị trường Kenichi Hirano thuộc Tachibana Securities nhận định việc chứng khoán Phố Wall giảm điểm, sau khi đạt các mức cao kỷ lục, đang đẩy đồng USD xuống giá so với yen và gây sức ép lên chỉ số Nikkei.

Theo chiến lược gia Tatsunori Kawai, thuộc trang kabu.com, sự mạnh lên của đồng yen đã thúc đẩy hoạt động bán ra trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, các nhà đầu tư "để mắt" tới cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Dự kiến, cuộc họp kéo dài hai ngày của BoJ sẽ bắt đầu vào ngày 3/4.

Một số chuyên gia dự đoán rằng BoJ sẽ tung ra các chính sách kích thích kinh tế tại cuộc họp đầu tiên của ban lãnh đạo mới. Ngày 2/4, tân Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, cam kết tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Phiên này, cổ phiếu của Canon giảm 3,42% xuống 3.245 yen/cổ phiếu, cổ phiếu của Nikon giảm 3,15% xuống 2.152 yen/cổ phiếu và cổ phiếu của Nissan giảm 3,49% xuống 856 yen/cổ phiếu.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 6,66 điểm (0,3%) xuống 2.227,74 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/12. Trong đó, cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc rớt giá mạnh, sau khi Bắc Kinh cho biết trong tháng 3/2013, Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) đứng ở mức 50,9, mức cao nhất trong 11 tháng, song thấp hơn so với dự đoán 52 của các nhà kinh tế trước đó.

Tại Hong Kong, sau một kỳ nghỉ dài, thị trường chứng khoán được đẩy lên, song đà tăng vẫn bị cản trở bởi số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Mỹ và Trung Quốc yếu hơn dự kiến. Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 68,19 điểm (0,31%) lên 22.367,82 điểm.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney tăng 19 điểm (0,38%) lên 4.985,5 điểm, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh.

Một thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán nước này là việc Ngân hàng Dự trữ Australia quyết định giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 3% và để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 9,84 điểm (0,49%) xuống 1.986,15 điểm.

Đêm trước, tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 5,69 điểm (0,04%) xuống 14.572,85 điểm; còn chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 7,02 điểm (0,45%) lên 1.562,17 điểm. Trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 28,35 điểm (0,87%) xuống 3.239,17 điểm.

Viện Quản lý Nguồn cung cho biết trong tháng 3/2013, chỉ số của hoạt động chế tạo tại Mỹ đứng ở mức 51,3, thấp hơn so với dự kiến 54 của các nhà phân tích trước đó. Michael James, nhà điều hành thuộc Wedbush Morgan Securities, đánh giá thị trường đang ở điểm dừng, sau khi tăng lên các mức cao kỷ lục.

Chốt phiên 1/4, cổ phiếu của Apple giảm 3,1%. Sau khi nhận sự chỉ trích của truyền thông Trung Quốc về chất lượng dịch vụ, Giám đốc điều hành hãng "quả táo," Tim Cook, đã gửi thư xin lỗi các khách hàng nước này.

Trong khi đó, cổ phiếu của hãng chế tạo xe điện Tesla Motors tăng 15,9%, sau khi hãng này nâng dự báo lợi nhuận, nhờ doanh số bán xe tăng mạnh hơn dự kiến./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục