IEA: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn rất yếu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn rất yếu dù đã có những tín hiệu vui về sự hồi phục của kinh tế.
Trong bản đánh giá có tên "chồi xanh" công bố ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn rất yếu cho dù đã có những tín hiệu vui về sự hồi phục của kinh tế thế giới đang trong cơn khủng hoảng.

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ năm nay sẽ còn yếu hơn cả năm ngoái và nhu cầu nhích lên nhẹ trong năm tới vẫn không đủ để bù đắp sự suy yếu nhu cầu năng lượng toàn cầu.

IEA thừa nhận giá dầu trở nên đắt đỏ hơn trong thời gian gần đây, tăng 8-10 USD/thùng so với mức trung bình tháng 7/2009 lên khoảng 70 USD/thùng hiện nay. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ biến động chủ yếu theo nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó tại Mỹ dù trong mùa hè du lịch, thời điểm vốn là nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu xăng dầu trong năm, tiêu thụ xăng vẫn thấp. Thêm vào đó, hoạt động công nghiệp của nước này còn giảm sút cùng với việc tăng sử dụng dầu diezel trong giao thông và phát điện cũng khiến tiêu thụ năng lượng ở mức thấp.

Theo IEA, sự hồi phục kinh tế có thể đang diễn ra nhưng những người sử dụng ôtô ở Mỹ vẫn giảm nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, việc chính phủ khuyến khích người dân sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng đối với sức tiêu thụ xăng, dầu.

Báo cáo trên của IEA càng làm rõ hơn tình hình tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới. Trước đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm nhẹ trong năm nay trước khi bắt đầu tăng trở lại trong năm tới, trong đó đóng góp lớn nhất vào sự hồi phục là nhu cầu của Trung Quốc và một số nước ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2009 sẽ giảm 2,3 triệu thùng/ngày (tương đương 2,7% so với mức trung bình của năm 2008).

Còn về nguồn cung, dù sản lượng của Nigeria rơi xuống mức thấp kỷ lục, song sản lượng của Nga lại tăng mạnh hơn dự kiến. Vì thế, lượng cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 7/2009 đã tăng thêm 570.000 thùng/ngày lên 85,1 triệu thùng/ngày, trong đó 2/3 mức tăng đến từ các nước nằm ngoài OPEC./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục