Khủng hoảng về nước mở ra cơ hội hợp tác quốc tế

Từ 1948-2008, chỉ 21 trường hợp tranh chấp về nguồn nước dẫn đến xung đột, trong khi có 145 hiệp ước được ký chia sẻ tài nguyên này.
Ngày 2/8, các nghiên cứu của nhiều viện quốc tế đã nhấn mạnh, các cuộc khủng hoảng về nước có thể mở ra cơ hội hợp tác quốc tế để chia sẻ nguồn tài nguyên này nhiều hơn là nguy cơ dẫn đến xung đột.

Nghiên cứu của Liên minh khoa học tính toán và cơ sở dữ liệu tranh chấp nguồn nước thuộc trường Đại học Oregon (Mỹ) cho biết, trong các sự kiện liên quan đến nguồn nước trên thế giới từ năm 1948-2008, chỉ có 21 trường hợp tranh chấp về nguồn nước dẫn đến xung đột, trong khi 682 trường hợp được giải quyết bằng các hiệp định chia sẻ nguồn tài nguyên này với hơn 145 hiệp ước được ký kết.

Từ năm 1805-1997, hơn 3.600 hiệp định quốc tế về chia sẻ nguồn nước đã được ký kết.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh, mặc dù biến đổi khí hậu đang làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực chính trị về nguồn nước, nhưng khả năng dẫn đến xung đột vẫn thấp hơn khả năng các thể chế có thể làm dịu tranh chấp.

Trên toàn cầu hiện có 276 lưu vực sông bao phủ hơn 50% bề mặt các lục địa và là nơi định cư của hơn 40% dân số thế giới.

Hơn 80% nguồn nước ngọt trên toàn cầu được chia sẻ từ các lưu vực sông chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia.

Các nhân tố như nguồn nước, số lượng và chất lượng nước, dân số sống trong lưu vực sông, sinh vật hoang dã đều liên kết chặt chẽ với nhau khiến khả năng hợp tác quốc tế để chia sẻ nguồn nước đã được lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu quốc tế cũng cảnh báo số lượng dân số thế giới sống trong các khu vực căng thẳng về nguồn nước hiện đã lên tới 2,8 tỷ người và có thể tăng tới 3,9 tỷ người, chiếm hơn 50% dân số thế giới vào năm 2030.

Hiện nay, 1,4 tỷ người không được tiếp cận nước sạch, 2,4 tỷ người không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh và 5,7 tỷ người hàng năm phải điều trị các bệnh liên quan đến nạn thiếu nước.

Người dân sống ở vùng đất khô ở châu Phi sử dụng trung bình 10-40 lít nước/ngày so với mức 300-600 lít nước/ngày của người dân ở các đô thị châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Sự bất bình đẳng này không thể duy trì mãi mà không dẫn đến xung đột. Sự khan hiếm nước đang tăng lên có nguy cơ trở thành động lực chủ yếu dẫn đến mất an ninh, bất ổn định và xung đột nếu cộng đồng thế giới không hành động nhanh chóng để thu hẹp bất bình đẳng về sử dụng nước.

Hiện chỉ có chưa đầy 1% nguồn nước ngọt trên thế giới, chiếm 0,007% tất cả nguồn nước trên thế giới, có thể được tiếp cận dễ dàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục