Đà Nẵng phát triển thương hiệu nước mắm Nam Ô

Chính quyền và các cơ sở làm nước mắm Nam Ô đang có nhiều cách làm mới để nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường của đặc sản này.
Mặc dù là một trong những thương hiệu nước mắm lâu đời và nổi tiếng của Việt Nam, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và nhãn hiệu tập thể nhưng hiện nay các sản phẩm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm khác trên thị trường.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất nước mắm Nam Ô.

Với trên 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã trải qua nhiều giai đoạn thăng, trầm. Hiện nay, làng có 105 hộ đang sản xuất nước mắm, với tổng sản lượng bình quân trên 50.000 lít/ năm, giải quyết việc làm cho 210 lao động.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho biết năm 2006, Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được thành lập, nhằm mục đích bảo tồn làng nghề. Nhưng, do tính chất hoạt động của Hội không có sự ràng buộc cao giữa các hội viên nên vẫn xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm.” Việc sản xuất vì vậy manh mún, phân tán, chất lượng sản phẩm không đồng đều; mẫu mác, bao bì không thống nhất nên quá trình kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, tháng Bảy vừa qua, các hội viên của Hội Làng nghề đã quyết định thành lập Hợp tác xã Sản xuất nước mắm và chế biến hải sản Đông Hải. Hợp tác xã có 12 xã viên, là những chủ cơ sở chế biến nước mắm có quy mô lớn tại địa phương. Hợp tác xã có vốn điều lệ là 300 triệu đồng, trong đó mức đóng góp vốn ban đầu tối thiểu là 20 triệu đồng/ xã viên, tối đa là 50 triệu đồng/ xã viên.

Các hộ xã viên vẫn sản xuất tại gia đình, nhưng hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua sản phẩm với giá thỏa thuận để cung cấp cho thị trường. Phần trăm lãi thu về trên sản phẩm sẽ do hợp tác xã nắm giữ và cuối năm sẽ chia theo tỷ lệ đóng góp sản phẩm của các xã viên. Ngoài ra, hợp tác xã sẽ liên kết với các đơn vị dịch vụ để cung cấp nguồn nhiên liệu cá đảm bảo chất lượng, nguồn muối, các vật dụng chế biến như lu, vại sành...với giá hợp lý cho bà con.

Đối với vấn đề bao tiêu sản phẩm, Hợp tác xã Sản xuất nước mắm và chế biến hải sản Đông Hải đã ký hợp đồng với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố như hợp tác xã rau sạch, nấm, nuôi trồng thuỷ sản... để cùng bán sản phẩm tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố và hướng tới đưa sản phẩm vào các siêu thị.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, với sự liên kết chặt chẽ theo mô hình hợp tác xã, thương hiệu nước mắm Nam Ô sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường do có sự kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu sản xuất, thống nhất về mẫu mã và nhãn mác, có trụ sở để trưng bày sản phẩm và thực hiện các giao dịch...

Ngoài ra, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng có sự hỗ trợ các hộ sản xuất nước mắm Nam Ô như hỗ trợ kinh phí tham dự các Hội chợ triển lãm, hỗ trợ 200 lu sành, chai nhựa đựng sản phẩm và máy đóng chai...

Dù mới đi vào hoạt động nhưng sự liên kết theo mô hình hợp tác xã đang là một hướng đi tất yếu trong quá trình phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô./.

Đỗ Trưởng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục