Các ngân hàng trung ương nên để mắt tới lạm phát

IMF cảnh báo các ngân hàng trung ương nên để mắt tới lạm phát, kháng lại sức ép chính trị để tập trung giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa công bố ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các ngân hàng trung ương nên để mắt tới lạm phát, đồng thời kháng lại sức ép chính trị để tập trung chính sách vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp.

IMF lưu ý rằng trong bối cảnh nhiều chính phủ tỏ ra khá tuyệt vọng trong việc tìm ra cách thức tạo việc làm, hơn bao giờ hết các ngân hàng trung ương cần khẳng định sự độc lập trong việc theo sát tất cả vấn đề tiềm ẩn trong nền kinh tế, dù là tăng trưởng, giá cả hay việc làm.

Theo IMF, chính sách tiền tệ mà ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế chủ chốt đang thực thi có thể sẽ không đẩy lạm phát tăng lên, do lạm phát được dự báo sẽ trở nên ổn định hơn so với trước đây. Đồng thời, lạm phát cũng ít bị chi phối bởi tình hình thất nghiệp tăng cao.

Trong khi định chế tài chính này bác bỏ mối nguy trước mắt về việc lạm phát gia tăng, nhiều nhà kinh tế vẫn quan ngại rằng các chính sách tiền tệ lỏng bất thường mà ngân hàng trung ương các nền kinh tế chủ chốt đang theo đuổi sẽ dần đẩy giá cả tăng lên nhanh chóng.

Trong bốn năm kể từ sau khi diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, các nền kinh tế phát triển đã nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Anh đã tiến hành các chương trình mua trái phiếu quy mô lớn và các gói nới lỏng định lượng, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tập trung vào hoạt động cho vay. Ngân hàng trung ương Nhật Bản tuần trước đã công bố việc bước sang giai đoạn mới của chính sách tiền tệ “lỏng” để đẩy lui tình trạng giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục