Muốn lập đường dây nóng

Nhật muốn thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc

Bộ trưởng quốc phòng Nhật gợi ý thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc, tránh xung đột giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa 2 nước.
Ngày 9/2, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã gợi ý thiết lập một đường dây nóng quân sự với Trung Quốc để tránh xung đột giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi Tokyo cáo buộc tàu chiến Trung Quốc đã chĩa radar điều khiển hỏa lực vào một tàu khu trục của Nhật Bản. Trung Quốc sau đó đã phủ nhận cáo buộc này.

Bộ trưởng Onodera cho rằng việc thiết lập một đường dây nóng là cần thiết để hai nước có thể nhanh chóng liên lạc khi những sự việc kiểu như vậy xảy ra và cho biết thêm chính phủ nước này đang xem xét công bố một số bằng chứng liên quan tới vụ việc nói trên.

Trước đó, ngày 6/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án Trung Quốc việc một tàu chiến nước này hướng radar điều khiển hỏa lực vào một tàu khu trục thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) ở vùng biển Hoa Đông.

[Thủ tướng Nhật yêu cầu TQ xin lỗi về vụ chĩa radar]

Theo ông, đây là một hành động đơn phương và có thể dẫn đến "sự cố bất ngờ". Ông Abe kêu gọi Trung Quốc kiềm chế để tình hình không vượt ra ngoài tầm kiểm soát, đồng thời cho rằng hai nước nên trở lại nguyên tắc "quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi."

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng sự việc chĩa radar vào tàu Nhật Bản nói trên là hành động độc lập của quân đội Trung Quốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo khi được hỏi liệu Bộ Ngoại giao Trung Quốc có được thông báo về hành động nói trên hay không, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, "Chúng tôi biết vụ việc này qua báo chí. Tôi không được biết cụ thể."

[Nhật tính công bố bằng chứng vụ tàu TQ chĩa radar]

Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại về việc một tàu chiến Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông, cho rằng một hành động như vậy có nguy cơ dẫn đến những tính toán sai và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm kể từ khi chính phủ Nhật Bản năm ngoái quyết định quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản bùng lên ở Trung Quốc. Tiếp sau đó là sự xuất hiện thường xuyên của các tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo này.

Những diễn biến căng thẳng gần đây khiến một số nhà bình luận đã cảnh báo về khả năng dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục