Thái Lan chú trọng phát triển sản phẩm làng nghề

Chính phủ Thái Lan đang tìm cách tăng giá trị cho các sản phẩm của các làng nghề Thái Lan (OTOP) và đưa ra thị trường thế giới.
Chính phủ Thái Lan đang tìm cách tăng giá trị cho các sản phẩm của các làng nghề Thái Lan (OTOP) và đưa ra thị trường thế giới.

Vấn đề này đã được thảo luận tại Ủy ban OTOP quốc gia, nơi hoạch định đường hướng phát triển cho các dự án làng nghề, để các sản phẩm OTOP của Thái Lan được biết đến nhiều hơn trong cả thị trường khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết việc phát triển các sản phẩm OTOP là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay bởi chúng sẽ tạo thêm nguồn thu cho các cộng đồng ở địa phương đồng thời tăng danh tiếng cho Thái Lan.

Bà Yingluck Shinawatra kêu gọi nghiên cứu và triển khai các dự án OTOP nhằm phát triển nguyên liệu thô, sản phẩm có chất lượng và tổ chức sản xuất để các sản phẩm này của Thái Lan có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban OTOP quốc gia giúp đỡ trong khâu tiếp thị sản phẩm OTOP, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, Ủy ban này còn có nhiệm vụ giới thiệu nhãn mác của các sản phẩm OTOP và mở rộng thêm các kênh bán hàng như thông qua các trang web, sân bay và các phương tiện truyền thông.

Ủy ban OTOP quốc gia đã nhất trí triển khai các nhóm làng nghề nhằm tăng cường tính cạnh tranh về lâu dài của các sản phẩm sản xuất đại trà, mở rộng các thị trường OTOP thông qua việc kết nối với các thị trường du lịch trong ASEAN và xa hơn nữa.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới đây đã đích thân khai trương Hội chợ OTOP giữa năm 2012, một trong hàng loạt hoạt động lớn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Hoàng hậu Thái Lan. Hội chợ OTOP lần thứ hai trong năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tới để kỷ niệm sinh nhật nhà vua. Dự kiến nhân dịp này Ủy ban OTOP quốc gia sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm ra đời dự án OTOP của Thái Lan.

Dự án OTOP ra đời năm 2001 theo cơ chế mỗi làng hay mỗi cộng đồng, đặc biệt là các khu vực nông thôn, có một sản phẩm đặc trưng. Sản phẩm này dựa trên nguyên tắc độc lập và sáng tạo, nhằm tìm cách phát triển các sản phẩm địa phương có tính đến yếu tố khôi phục văn hóa truyền thống của địa phương để mỗi làng có một sản phẩm riêng của mình.

Sáng kiến OTOP đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các địa phương, giúp giảm bớt tình trạng di cư tự do để tìm kiếm việc làm ở những nơi khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục