Kẹt tại Thái vì lũ lụt

Hàng nghìn du khách bị kẹt tại Thái Lan vì lũ lụt

Lũ lụt ở miền Nam Thái Lan đã làm 11 người thiệt mạng và hàng nghìn du khách bị kẹt ở các đảo nghỉ mát nằm trên Vịnh Thái Lan.
Lũ lụt nghiêm trọng ở miền Nam Thái Lan đã làm 11 người thiệt mạng và hàng nghìn du khách bị kẹt ở các đảo nghỉ mát Koh Samui và Koh Tao nằm trên Vịnh Thái Lan.

Trong khi đó, các chuyên gia khí tượng tiếp tục cảnh báo về khả năng mưa lớn kéo dài dẫn tới lở đất.

Những trận mưa lớn chưa từng thấy trong suốt một tuần qua tại miền Nam Thái Lan đã ảnh hưởng tới cuộc sống của gần một triệu người dân, hàng chục nghìn ngôi nhà bị cô lập do hệ thống giao thông công cộng bị ngưng trệ hoàn toàn.

Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban cho biết chính phủ đã điều máy bay tới sơ tán khoảng 1.000 người bị mắc kẹt trên đảo Koh Tao.

Theo Hãng hàng không Bangkok Airways, khoảng 2.000 người, đa số là du khách, đã bị kẹt ở đảo Samui và phải tạm trú trong một số khách sạn do nhiều chuyến bay bị hủy vì thời tiết xấu.

Trong khi đó, gần 800 hành khách phải chờ đợi ở Bangkok vì không đến được đảo du lịch trên. Hiện đã có 80 quận thuộc 8 tỉnh của Thái Lan được tuyên bố trong tình trạng thảm họa.

Năm 2010, lũ lụt ở Thái Lan đã cướp đi sinh mạng của hơn 220 người, phá hủy nhiều nhà cửa và ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 8,6 triệu người thuộc 51/76 tỉnh của đất nước "Chùa Vàng."

Trong khí đó, những trận mưa lớn liên tiếp từ hơn 10 ngày qua đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở phần lớn khu vực miền Bắc của Namibia, châu Phi làm ít nhất 62 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Trước tình hình này, trong thông báo trên truyền hình quốc gia tối 29/3, Tổng thống Namibia Hifikepunye Pohamba đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực miền Bắc nước này.

Lũ lụt đã làm hơn 100.000 người mất nhà cửa, làm ngập hệ thống giao thông khiến miền Bắc Namibia bị cô lập hoàn toàn. Hơn 250 trường học tại đây đã phải tạm thời đóng cửa. Thiệt hại của trận lụt lịch sử này ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Chính phủ Namibia đang khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu trợ khẩn cấp, trước mắt là sơ tán khoảng 100.000 người dân ra khỏi vực nguy hiểm và hỗ trợ thực phẩm, nước sạch cho những người đang bị nước lũ cô lập, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế để khắc phục hậu quả nặng nề của lũ lụt.

Năm 2009, tại miền Trung Namibia cũng xảy ra lụt lớn, làm 92 người thiệt mạng và nhiều gia đình mất nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục