Kê khai tài sản, thu nhập để chống tham nhũng

WB và Liên hợp quốc cho rằng, để chống tham nhũng thành công, công chức nên thực hiện tốt việc kê khai thu nhập, tài sản và lợi tức.
Cơ quan Sáng kiến Thu hồi tài sản bị đánh cắp (STAR) của Ngân hàng Thế giới (WB) và Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc nhấn mạnh để đảm bảo cuộc chiến chống tham nhũng thành công, các công chức nên thực hiện tốt nhiệm vụ kê khai các khoản thu nhập, tài sản và lợi tức của họ.

Nghiên cứu “Công chức, lợi tức tư nhân: Trách nhiệm giải trình thông qua kê khai thu nhập và tài sản” công bố ngày 28/3, có nội dung chính là kêu gọi giới công chức thực hiện nghiêm cam kết kê khai thu nhập và tài sản để ngăn chặn tình trạng làm dụng chức vụ nhằm tăng thu nhập cá nhân; đồng thời giúp giải quyết những mâu thuẫn lợi ích trong khu vực công.

Nghiên cứu cũng nêu rõ các chế độ kê khai tài sản ở nhiều nước đã đạt hiệu quả hơn do các quan chức nhà nước thấy rõ mối đe dọa thực sự vì các vi phạm sẽ bị phát hiện và trừng phạt.

Công ước chống Tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), bắt đầu có hiệu lực năm 2003 và được 159 quốc gia phê chuẩn hoặc tán thành, yêu cầu tất cả các nước thành viên đề ra các chế độ kê khai tài chính hiệu quả cho giới công chức cũng như coi trọng việc chia sẻ kinh nghiệm với các nhà chức trách của các nước khác. Nghiên cứu nhằm xóa bỏ khoảng cách thực hiện yêu cầu chống tham nhũng quan trọng của UNCAC.

Nghiên cứu cũng đề cập đến những vấn đề khó khăn xung quanh các mục tiêu và phạm vi của yêu cầu kê khai tài chính, các biện pháp xác minh, các đạo luật và tăng cường luật pháp, khả năng tiếp cận của công chúng đối với các thông tin kê khai tài sản và thu nhập của các công chức. Nghiên cứu đưa ra các kiến nghị thực tiễn về quy chế kê khai tài sản và thu nhập đối với từng nước khác nhau.

Chuyên gia Khu vực Công của WB Francesa Recanatini đánh giá đây là một nghiên cứu quan trọng, không những giúp các chính phủ soạn thảo và thực hiện các quy chế kê khai thu nhập và tài sản hiệu quả mà còn tăng cường ủng hộ các nhà hoạch định chính sách xây dựng hoặc phát triển các quy chế kê khai ở nước họ.

Ông nhấn mạnh các quy chế kê khai thu nhập và tài sản không thể hoạt động một cách riêng biệt và cần trở thành một bộ phận trong khung chống tham nhũng rộng lớn hơn của một quốc gia.

Nghiên cứu trên của STAR được dựa trên cơ sở phân tích từ sáng kiến Cơ chế Trách nhiệm giải trình công khai (PAM) thuộc WB về các đạo luật kê khai tài sản và thu nhập ở 88 nước và nghiên cứu 11 trường hợp sẽ được công bố trong một tài liệu cuối năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục