Người dân chịu thiệt vì dịch vụ vận tải... “ban ơn”

Phóng nhanh, vượt ẩu, bán khách trên các chuyến xe đường dài, nhồi nhét chèn ép khách không chỉ trên xe mà còn cả dưới đường… đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực cho không chỉ hành khách mà cả người dân đi đường. Nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau và đều rất có lý. Tựu chung vẫn là hạ tầng giao thông yếu kém và hạn chế về quản lý... Tuy vậy, dưới góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, sự hỗn loạn này hoàn toàn có thể khắc phục. Quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ cần có thái độ tôn trọng nhất định với các "thượng đế" của mình.
Phóng nhanh, vượt ẩu, bán khách trên các chuyến xe đường dài, nhồi nhét chèn ép khách không chỉ trên xe mà còn cả dưới đường… đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực cho không chỉ hành khách mà cả người dân đi đường.

Nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau về tình trạng hỗn loạn giao thông trên các tuyến đường. Lý do đưa ra bao giờ cũng có lý, tựu chung vẫn là hạ tầng giao thông yếu kém và một phần hạn chế trong quản lý.

Tuy vậy, dưới góc nhìn khác, các chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng, sự hỗn loạn này hoàn toàn có thể khắc phục. Điều quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ cần có thái độ tôn trọng nhất định với các "thượng đế" của mình.

“Lái xe nhà trời”


Chiếc xe buýt 40 chỗ ngồi to kềnh càng chiếm hơn 1/3 con đường Xuân Thủy đang di chuyển bỗng tạt ngang đầu vào lề đường khiến nhiều người đi xe máy hoảng loạn. Sau vài phút dừng lại bắt khách, chiếc xe lại đánh võng dọc ngang suốt lộ trình.

Xe buýt, taxi, các phương tiện vận chuyển khác trong đô thị đã thành “hung thần” trong các tuyến phố.

Dù Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng thái độ phục vụ khách trên xe buýt đã có chuyển biến tích cực, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, tình trạng ứng xử thiếu văn hóa với hành khách, dừng đỗ sai điểm biển, tạt nhanh vào bến, chèn ép người đi đường vẫn đáng báo động.

Xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép các phương tiện khác đi đường đã thành chuyện cơm bữa.

Không chỉ xe buýt, nạn xe khách, xe dù chèn ép, nhồi nhét, bắt khách dọc đường cũng là những nỗi lo của những hành khách trên mỗi hành trình.

Vừa bắt đầu hành trình cao tốc Pháp Vân, xe khách tuyến Hà Nội-Hà Tĩnh đã nhanh chóng tăng tốc. Còi bấm inh ỏi, tạt ngang hất dọc khiến nhiều lái xe khác hoảng sợ. Từ lâu, trên quốc lộ 1A xe khách lạng lách, đánh võng thậm chí gây tai nạn rồi bỏ trốn đã không còn chuyện mới lạ.

Không những đón trả khách sai quy định, nhiều xe khách vẫy tay bắt khách khi đang đi đường, không có sổ nhật trình chứng minh xe xuất phát từ bến, bắt khách phải ăn cơm tù... là tình trạng phổ biến hiện nay của các xe dù trên tuyến quốc lộ.

Thậm chí, nhiều xe khách còn dừng lại ở những khoảng trống bắt khách giữa các tuyến đường trong thành phố nhằm “né” lực lượng chức năng.

Một năm trên cả nước có vài đợt ra quân, chiến dịch nhưng thời gian sau lại đâu vào đó. Theo các chuyên gia, nhà quản lý giao thông thì biện pháp thắt chặt là cần thiết nhưng quan trọng hơn thay đổi nhận thức.

Việc tai nạn giao thông xảy ra liên tục trong thời gian ngắn, với mật độ số vụ ngày càng dày, số người chết cũng tăng dần theo năm.

Tuy nhiên, để chấn chỉnh lại công tác an toàn giao thông, trong đó nâng cao tầm văn hóa giao thông là vấn đề cần giải quyết trước mắt.

Tại cả anh - lái xe, lẫn ả - nhà quản lý


Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì thái độ hành xử của các dịch vụ vận tải là căn bệnh của thời kỳ bao cấp. Các nhà cung cấp dịch vụ này có cách nhìn và thái độ “ban ơn” đối với hành khách.

Ông Bình cho hay: “Những người trong hoạt động dịch vụ vận tải phải nhận thức được rằng mình đang làm công việc rất hệ trọng liên quan đến tính mạng của nhiều người.”

Ông Bình nhấn mạnh thêm: “Để văn hóa giao thông đến với các doanh nghiệp thì phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, các lớp bồi dưỡng các kiến thức về ứng xử với khách hàng cho tất cả cán bộ. Chính sự hài lòng của hành khách về dịch vụ vận tải và thái độ phục vụ của doanh nghiệp chính là sự sống còn của doanh nghiệp.”
 
Còn theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, trước khi bắt đầu chạy tuyến đầu tiên trong ngày, công ty đã đôn đốc cẩn thận anh em phụ xe. Nhưng trên thực tế, có một số nhân viên xe buýt hành xử phản cảm, thiếu văn hóa với khách hàng.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại có cái nhìn khác về vấn đề này. Theo ông Toàn thì tần suất hoạt động của xe buýt trên một tuyến quá ngắn, tắc đường buộc lái xe phải chạy vọt để rút ngắn giờ, gây mất an toàn.

Cường độ lao động của lái xe rất căng thẳng, trong khi đó thu nhập không phải là cao, chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng, làm thêm giờ thì thêm thu nhập. Do đó cần phải xem xét lại tần suất hoạt động, kéo dài hơn thời gian xe chạy trên một cung chặng để đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Toàn, ngay cả những người đứng đầu cũng chưa ý thức được việc tạo uy tín cho thương hiệu của mình. “Những nhà quản lý trong lĩnh vực hoạt động vận tải vẫn chưa hề quan tâm vấn đề giữa kinh doanh và phục vụ được đảm bảo hài hòa. Vì thế cần phải tạo dựng được văn hóa ứng xử và dịch vụ mới có thể đem lại lòng tin cho hành khách và người đi đường," ông Toàn nói.

Tuy nhiên, khi tất cả những điều nêu trên vẫn chỉ dừng ở mức độ "nói," "nhận xét," "nhắc nhở"... thì người chịu thiệt thòi vẫn là các "Thượng đế" sử dụng dịch vụ giao thông công cộng và những người tham gia giao thông hàng ngày trên đường phố. /.

Mạnh Hùng - Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục