"Cò" giăng như mắc cửi

"Cò" nhà trọ giăng như mắc cửi tại các bến tàu xe

Trước ngày chuẩn bị thi đại học, phòng trọ trên khắp Hà Nội bắt đầu "nóng" lên từng giờ, “cò” phòng trọ giăng khắp ga tàu, bến xe.
Trước ngày chuẩn bị thi, phòng trọ trên khắp các ngõ ngách của Hà Nội bắt đầu "nóng" lên từng giờ, “cò” phòng trọ giăng khắp ga tàu, bến xe. Nhưng cũng có không ít nhà trọ miễn phí chất lượng cao của những người dân sẵn sàng sẻ chia với thí sinh trong mùa thi này.

Ra ngõ gặp "cò"

Vừa bước xuống sân bến xe Giáp Bát, bố con anh Nguyễn Văn Sáng ngay lập tức đã bị hai chú xe ôm áp sát. Khi nhận thấy khách có nhu cầu tìm nhà trọ cho mấy ngày thi sắp tới, hai gã quả quyết: “Giờ mà tìm thì vào nhà nghỉ cũng khó có phòng. Để chúng tôi dẫn hai bố con vào nhà người quen nghỉ tạm. Nếu đồng ý thì ngoài tiền xe ôm, anh cho thêm 50.000 tiền phí.”

Nói đoạn, chưa kịp đợi khách gật đầu, một gã đã xăng xái xách chiếc balô nặng trịch ra thẳng bãi xe, mặc cho hai bố con vẫn còn ngơ ngác.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm đưa thí sinh đi thi, anh Trần Văn Lâm (Hải Hậu, Nam Định) khẳng định, đa phần những người như bố con anh Sáng đều sẽ dính bẫy của “cò” nhà trọ.

“Ngoài tiền xe ôm và khoản phí 50.000 đồng, rất khó để họ từ chối nhà trọ được cánh xe ôm dẫn đến. Đây hầu hết là những dãy nhà được ‘tăng bo’, tận dụng thời gian sinh viên về quê nghỉ hè để cho học sinh và người nhà thuê lại,” anh Lâm cho hay.

Cũng theo anh Lâm, thời gian cao điểm, giá cho một căn phòng mái tôn 15 m2 dạng này có dao động trên dưới 100.000 đồng/ngày. Địa điểm càng gần trường thi thì mức giá càng được “treo cao” hơn vì mức độ thuận tiện của nó.

Qua hai, ba “cò” mà vẫn chưa thương lượng được giá cả, bác Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) chán nản: “Ở gần điểm thi, người ta đều hét giá gần 200.000 đồng/người, lại ở ghép. Tính ra mấy ngày thi, hai cha con đã hết gần triệu bạc tiền trọ.”

Nói vậy nhưng bác Hưng vẫn phải xách đồ đạc đứng dậy, đi vội về  phía người thanh niên bác vừa từ chối thuê trọ: “Thôi thì đắt cũng phải ở, đến lúc hết chỗ lại khổ. Chứ mình lên đây bơ vơ, không nhờ 'cò' thì nhờ ai.” 

Không chỉ ở bến xe, trước cổng các điểm thi “cò” cũng hoạt động nhộn nhịp không kém bởi họ nắm được dự định của nhiều thí sinh là biết địa điểm thi rồi mới tìm chỗ trọ.

Sáng 1/7, trước cổng trường Đại học Giao thông Vận tải, gần chục “cò” nhà trọ đứng dưới chân cầu đi bộ bắt khách. Trong vai hai thí sinh lên Hà Nội đi thi, chúng tôi đã được một người phụ nữ hướng dẫn rất tận tình. Chỉ tay về hướng Cầu Giấy, bà này cho hay: “Nhà trọ ngay đây, cách chỉ hơn trăm mét, đi bộ thoải mái. Cái giá 150.000 đồng/người là quá rẻ đấy.”

Khi chúng tôi chê đắt, ngay lập tức nhận được câu trả lời: “Nếu thấy đắt có thể ở ghép 4 người/phòng. Giá chỉ có 40.000 đồng.”

Thậm chí, ngay cả khi đã thỏa thuận được giá, nhưng khi được cò dẫn tới nơi, nhiều người vẫn “méo mặt” vì lời quảng cáo rởm. Anh Lê Văn Nam, một người vừa mất 50.000 đồng cho "cò" bức xúc: “Đồng ý với mức giá 180.000 đồng/ngày cộng thêm 50.000 đồng tiền phí, nhưng khi đến nơi thì chủ nhà trọ trả lời là đã hết phòng. Tôi quay ra thì người dẫn đường đã không còn ở đó nữa.”
 
Theo anh Nam, tốt nhất thí sinh và người nhà nên đến tận nhà có phòng trọ cho thuê để hỏi. Như vậy, có thể mất thời gian nhưng chắc chắn.

Vẫn còn nhiều nhà trọ giá rẻ

Đó là khẳng định của hầu hết sinh viên tình nguyện ở các bến xe lớn chúng tôi có mặt.

Tại bến xe Giáp Bát, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức hẳn hai bàn dành riêng để tư vấn về các địa điểm nhà trọ miễn phí hoặc giá rẻ dành cho thí sinh và người nhà. Trưởng nhóm sinh viên tình nguyện này cho hay, đội đã cắt cử người ra tận sân bến đón thí sinh để tư vấn.

“Đối với những người có nhu cầu, căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, chúng tôi sẽ giới thiệu cho họ những nhà trọ giá rẻ hoặc miễn phí.”

Cầm trên tay tấm giấy nhỏ có ghi địa chỉ cùng số điện thoại của chủ nhà trọ khu vực Định Công, bác Phạm Văn Được (Kim Sơn, Ninh Bình) hớn hở: “Khi ở nhà, tôi vẫn nghĩ sẽ phải rất vất vả để tìm được chỗ ở, nay may gặp các cháu sinh viên tìm cho chỗ miễn phí, vừa tiết kiệm tiền lại vừa thuận tiện.”

Theo thống kê nhanh của nhóm tình nguyện bến xe Giáp Bát, chỉ riêng trong ngày hôm qua, 30/6, nhóm đã tiếp đón đến hơn 200 lượt thí sinh và người nhà có nhu cầu về chỗ ở. Dự kiến, trong mấy ngày tới, số lượng này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn rất nhiều phụ huynh không hề biết đến hình thức nhà trọ này. Họ hoặc bị “cò” rình sẵn ở bến kéo thẳng đến những điểm trọ đã được định sẵn, hoặc tự mình đi tìm.

Theo vận động của một số tổ dân phố gần các điểm thi đã có một số gia đình có chỗ ở rộng để ra một phòng và chuẩn bị cả mì ăn liền, nước uống để chờ “khách quê”. Song hầu như việc đón được “người lạ” vào trọ không dễ. Tâm lý cảnh giác trong thí sinh và phụ huynh là rất cao, đặc biệt là các thí sinh nữ.  

Bác Nguyễn Văn Sơn (Đại An, Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết: “Mặc dù gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn một gian phòng cho thí sinh lên dự thi và đã nhờ các cháu sinh viên chuyển thông tin hộ, nhưng đến hôm nay vẫn chưa có ai liên hệ lại.”

Đến Trường Công nghệ Thăng Long (số 28, ngõ 20 phố Trương Định) tìm hiểu, chúng tôi được cán bộ ở đây là chị Trần Thúy Trinh cho biết: “Năm ngoái trường đã chuẩn bị hỗ trợ hàng trăm chỗ ở mà chỉ thấy có vài thí sinh đến trọ. Vì thế năm nay nhà trường  không lên kế hoạch nữa. Tuy nhiên, nếu số lượng thí sinh cần hỗ trợ mà lớn thì nhà trường sẽ xem xét và giúp đỡ"./.

Sơn Bách - Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục