Kinh tế là trọng tâm cơ chế tham vấn Đức-Trung

Một cơ chế tham vấn cấp chính phủ giữa Trung Quốc-Đức được thiết lập ngày 28/6, với vai trò thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương.
Giám đốc Viện Nghiên cứu thuộc Hội đồng Ngoại giao Đức, Eberhard Sandschneider cho biết một cơ chế tham vấn cấp chính phủ giữa Trung Quốc và Đức được thiết lập trong ngày 28/6, với vai trò thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương.

Ông Sandschneider cho rằng Đức và Trung Quốc - được biết đến như là hai nhà xuất khẩu lớn thế giới - đều có lợi ích chung trong việc duy trì sự ổn định kinh tế toàn cầu. Theo ông, kinh tế sẽ là vấn đề trọng tâm trong cơ chế tham vấn này và hai bên sẽ đưa ra những việc cần làm để giúp ổn định điều kiện kinh tế vĩ mô.

Gu Xuewu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Đại học Bonn, cho biết Trung Quốc và Đức sẽ cùng nhau chia sẻ các mối quan tâm chiến lược như kiềm chế chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đảm bảo sự ổn định của đồng euro và giảm nguy cơ đổ vỡ của chuỗi nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, kinh tế, tài chính, kỹ thuật và giáo dục cũng sẽ là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên.

Theo ông Gu, mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đức sẽ tiếp tục được củng cố, trong bối cảnh Đức cần các khoản đầu tư của Trung Quốc để giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, trong khi Trung Quốc cần các công nghệ tiên tiến của Đức để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.

Cựu đại sứ Trung Quốc tại Đức, Mei Zhaorong, nhận định mặc dù hai nước còn vấp phải bất đồng trong một số vấn đề, do sự khác biệt về truyền thống văn hóa, hệ thống kinh tế, xã hội và mức độ phát triển, song vấn đề chủ chốt là làm thế nào để dung hòa những khác biệt đó.

Ông Mei bày tỏ tin tưởng nếu hai bên nâng cao nguyên tắc tôn trọng lợi ích lẫn nhau, cơ chế tham vấn trên sẽ đạt được kết quả tốt./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục