Giúp doanh nghiệp Việt Nam đối phó với các vụ kiện

Một hội thảo giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc cập nhật các quy định và ứng phó các vụ kiện chống phá giá từ EU đã diễn ra ở Hà Nội.
Ngày 14/7, một hội thảo giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cập nhật các quy định và ứng phó với các vụ kiện chống phá giá từ EU đã diễn ra ở Hà Nội.

Hội thảo có chủ đề “Chống bán phá giá - Chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu vào EU: Những diễn tiến mới-Tác động và Ảnh hưởng,” được hỗ trợ bởi MUTRAP III, do Hội đồng tư vấn về Phòng vệ Thương mại (TRC) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty luật EU Gide Loyrette Nouel (GIDE) tổ chức, sau khi có thông tin về khả năng có những thay đổi đáng kể trong cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, xu hướng tăng cường các hoạt động chống trợ cấp cũng như thắt chặt các biện pháp quản lý khác đối với hàng nước ngoài nhập khẩu vào EU.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và chính sách thương mại quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III với tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Tiến sỹ Pieter Jan Kuijper (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ban thư ký WTO; nguyên Vụ trưởng Vụ đối ngoại và thương mại quốc tế, Ủy ban châu Âu) cho biết EU đã và đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, mỗi thay đổi hay động thái chính sách mới ở thị trường này đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cần được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam theo dõi sát sao và có biện pháp ứng phó hợp lý, kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của xuất khẩu Việt Nam ở thị trường này.

Cho đến nay, EU đã tiến hành 10 vụ kiện chống bán phá giá và trở thành nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp này đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù quy mô các vụ kiện này tương đối nhỏ (trừ vụ giầy mũ da) nhưng số lượng các vụ kiện đã cho thấy nguy cơ bị kiện tại thị trường này là rất lớn. Đặc biệt khi các quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại của EU trước đây vốn được xem là bớt khắt khe hơn các nước khác, thì hiện nay có khả năng sẽ thay đổi theo hướng bất lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo ông Pieter Jan Kuijper, EU có khả năng sẽ thay đổi đáng kể trong cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo hướng phức tạp và kéo dài thời gian hơn. Cùng đó, EU cũng có thể sẽ tăng cường các hoạt động chống trợ cấp vì cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh từ những ưu đãi của chính phủ nơi không có các quy định kiểm soát trợ cấp ngặt nghèo như ở EU. Thậm chí, EU có khả năng sẽ gia tăng các vụ điều tra “đúp” cả chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa nước ngoài, một thông lệ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã được các chuyên gia nước ngoài giải thích đầy đủ hơn về các thông tin trên để có phương án chủ động phòng tránh, đối phó với các nguy cơ liên quan, bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình trong hoạt động xuất khẩu.

Không những thế, với mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, luật sư giỏi tại các hãng luật lớn ở các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Hội đồng TRC còn tiến hành nhiều tư vấn cho các Hiệp hội, doanh nghiệp về các nguy cơ cũng như biện pháp đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ ở nước ngoài./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục