Bắc Ninh: Cần giải pháp đồng bộ bảo vệ ca trù

Hiện tại, số nghệ nhân và ca nương có khả năng hát, kéo đàn đáy, đánh trống trầu còn lại rất ít và có nguy cơ bị mai một dần.
Theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện (Nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh), loại hình sinh hoạt ca trù vốn là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa xưa ở nhiều làng xã vùng Kinh Bắc, Bắc Ninh.

Ca trù đã phát triển ở không gian rộng, đa dạng với nhiều hình thức và có mối quan hệ khá mật thiết với vùng tổ ca trù ở Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội).

Sách “Bắc Ninh dư địa chí“ cho biết Bắc Ninh vào thế kỷ thứ 19 có khá nhiều nơi có phường hát ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu.

Đặc biệt, ở nhiều nơi có không ít dòng họ làm nghề ca công, nhiều làng hát ca trù chuyên nghiệp tiêu biểu còn tồn tại cho đến ngày nay như Thanh Tương (huyện Thuận Thành) và Tiên Du, thị trấn Lim (huyện Tiên Du)...

Hiện tại, số nghệ nhân và ca nương có khả năng hát, kéo đàn đáy, đánh trống trầu còn lại rất ít và có nguy cơ bị mai một dần. Hai năm trở lại đây, ở một số địa phương nhân dân đã tự phát có nhiều hình thức hoạt động để khôi phục và phát triển lại ca trù.

Làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh (huyện Gia Bình) người dân tự tìm tòi, học hỏi các nơi, đón các nghệ nhân về làng truyền dạy. Làng Thanh Tương xây dựng câu lạc bộ ca trù, tập hợp hàng chục nghệ nhân, thanh thiếu niên có khả năng ca hát, say mê luyện tập ca trù trở thành một làng tiêu biểu duy trì được sinh hoạt văn hóa ca trù truyền thống...

Tuy nhiên, hiện tại việc khôi phục, gìn giữ ca trù ở tỉnh Bắc Ninh vẫn đang ở trong tình trạng mờ nhạt và kém hiệu quả. Để ca trù không bị mai một, Bắc Ninh rất cần có nhiều giải pháp đồng bộ về giúp đỡ, đầu tư nguồn lực, tiền vốn, xây dựng phong trào ca hát quần chúng ở cơ sở./.

Đàm Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục