Kinh tế Nga-Trung

Quan hệ kinh tế Nga-Trung: Triển vọng-thách thức

Kinh tế thế giới ảm đạm, trong khi Trung Quốc vẫn phát triển ổn định, khiến Nga có lý do để thúc đẩy việc tăng hợp tác với Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tiến hành chuyến công du Trung Quốc để thăm chính thức nước này và dự Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong các ngày 5-7/6.

Chuyến đi của ông Putin diễn ra trong khuôn khổ "chiến dịch hoạt động ngoại giao" dồn dập, khẩn trương kéo dài khoảng 10 ngày một tháng sau khi nhà lãnh đạo Nga nhậm chức.

Điều được các giới quan sát "mỏ xẻ" nhiều là chiến dịch ngoại giao này diễn ra sau khi ông Putin từ chối đến Mỹ tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm G8 vào giữa tháng Năm và tỏ thái độ khá "lạnh nhạt" với châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Liên minh châu Âu (EU) ở Saint-Petersbourg ngày 4/6.

Động lực và triển vọng của sự hợp tác Nga-Trung

Chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh ông vừa bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba, có sứ mệnh chèo lái nước Nga bước vào giai đoạn mới, với một trong những trọng tâm là phát triển kinh tế. Ông Putin đã xác lập mục tiêu đến năm 2020 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ ở trong hàng ngũ năm cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Với viễn cảnh kinh tế thế giới không mấy lạc quan, các quốc gia châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ công, trong khi kinh tế Trung Quốc về cơ bản vẫn phát triển ổn định, lành mạnh, ông Putin hoàn toàn có lý do để thúc đẩy việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc.

Một số chuyên gia nhận định lý do sâu xa khiến giới lãnh đạo Nga tìm cách “song hành” với Trung Quốc là sức mạnh kinh tế của quốc gia láng giềng phương Đông. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang khát nhiên liệu, năng lượng, đương nhiên là rất "thèm" nguồn tài nguyên dầu, khí của Nga. Trong 10 năm qua, quan hệ kinh tế Nga-Trung phát triển mạnh mẽ chủ yếu là nhờ thúc đẩy thương mại giữa hai bên, nhất là trong các dự án lớn về năng lượng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, hai nước đã ký kết gần hai chục văn kiện hợp tác quan trọng về chính trị và kinh tế, bao gồm các lĩnh vực thương mại, công nghiệp mới, du lịch, điện lực, điện hạt nhân.

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Putin khẳng định sự hợp tác song phương đã đạt tới mức độ cao với chất lượng chưa từng có. Xét tổng thể, triển vọng hợp tác giữa hai nước láng giềng này hết sức khả quan.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trao đổi mậu dịch Trung-Nga từng bước được mở rộng. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương phá mức 80 tỷ USD. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 150 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Tổng thống Putin cho rằng hai nước cần phải tối ưu hóa cơ cấu thương mại song phương và cải thiện chất lượng bằng cách tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Nga và Trung Quốc sẽ tích cực phát triển các dự án liên doanh lớn trong sản xuất máy bay dân dụng, nghiên cứu vũ trụ và các ngành công nghệ cao khác. Cả hai sẽ theo đuổi các dự án kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt ở hai nước.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng hai nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển sang thanh toán thương mại song phương bằng đồng tiền của hai nước (rup và nhân dân tệ). Đây sẽ là một bước tiến góp phần tăng cường quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Đặc biệt, Nga sẽ tăng cường "đối thoại" về năng lượng với Trung Quốc, trước hết là hợp tác cung cấp khí đốt và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Hai bên cũng chủ trương thúc đẩy đầu tư và phát triển hợp tác đồng bộ trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và phát minh-sáng chế. Phát biểu trước các phóng viên, ông Putin khẳng định: "Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga. Hai quốc gia có lợi ích chung, sự tin tưởng lẫn nhau và quan hệ hợp tác cởi mở trong tất cả các lĩnh vực."

Thách thức

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Độc lập (Nga), ông Andrey Karneev, Phó Giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi, thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU), nhận định trong một số vấn đề quan trọng, giữa Nga và Trung Quốc có những lợi ích không trùng nhau.

Theo ông Karneev, trao đổi thương mại giữa Nga-Trung Quốc đã đạt được mức kỷ lục, nhưng cơ cấu thương mại chưa làm Nga hài lòng, bởi Nga là nước cung cấp nguyên nhiên liệu, kim loại nhưng lại nhập khẩu sản phẩm máy móc-kỹ thuật. Trong khi đó, môi trường làm ăn được đánh giá là không thuận lợi đối với các doanh nhân nước ngoài ở Nga đang ngăn cản các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo thống kê, đầu tư thực tế của Trung Quốc vào Nga chỉ chiếm 4% tổng đầu tư của nước ngoài vào Nga, điều này tương phản với mối quan hệ chính trị ở trình độ cao giữa hai nước.

Hơn nữa, bất chấp mối quan hệ nhiều mặt ngày càng tăng cường giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, hai bên vẫn chưa ký được hiệp định về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Trở ngại chính vẫn là giá cả. Nga muốn Trung Quốc trả giá bằng các khách hàng châu Âu (400 USD/1.000 m3 khí đốt), song Trung Quốc chỉ muốn trả gần với mức của các nhà cung cấp khí đốt Trung Á như Turkmenistan (250 USD/1.000 m3). Do vậy, các cuộc thương lượng vẫn rơi vào bế tắc.

Thêm vào đó, đánh giá về một trong những động lực thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc là sức mạnh kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân này, một số chuyên gia cho rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc thật ra cũng không hoàn toàn sáng sủa, có nhiều khả năng rủi ro. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và các biện pháp của Mỹ giới hạn hàng nhập từ Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu của nước này, khiến tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới ngưỡng 8%.

Một vấn đề khác là những bất đồng về một số mục tiêu, bước đi giữa Nga và Trung Quốc trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tổng Thư ký Trung tâm Nghiên cứu SCO, Lý Lập Phàn và học giả Raffaello Pantucci, nhận định hai cường quốc này đang bất đồng về lợi ích ở khu vực Trung Á.

Đặc biệt, ông Putin liên tục nói về ý tưởng Liên minh Âu-Á, nhằm đưa những nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết trước đây xích lại gần nhau trong một liên minh kinh tế và khu vực thương mại bán tự do. Khối này sẽ phối hợp chính sách tiền tệ và kinh tế, mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp.

Song, một khối như vậy cũng sẽ dựng lên những hàng rào thuế quan cao hơn giữa các nước SCO, nhất là tại khu vực dọc biên giới Trung Quốc với Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Điều này không chỉ có tác động trực tiếp đến thương mại của Trung Quốc với các nước này mà ở chừng mực nào đó còn làm phức tạp thêm tiến trình phát triển hợp tác kinh tế của SCO.

Nhiều chuyên gia đánh giá hiện là thời điểm quan hệ Nga-Trung có quy mô to lớn hơn bao giờ hết, song con đường hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc này không "trải trên hoa hồng"./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục