Iran bảo vệ ghế Chủ tịch hội nghị về giải trừ quân bị

Iran quyết tâm bảo vệ cương vị chủ tịch luân phiên của hội nghị LHQ về giải trừ quân bị bất chấp phản đối từ Mỹ và Canada.
Iran ngày 14/5 đã khẳng định quyết tâm bảo vệ cương vị chủ tịch luân phiên của hội nghị Liên hợp quốc  về giải trừ quân bị, sau khi Mỹ và Canada tuyên bố sẽ tẩy chay hội nghị do Tehran chủ trì.

Phát ngôn viên phái bộ Iran tại Liên hợp quốc, ông Alireza Miryousefi, nêu rõ: "Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là một thành viên sáng lập Liên hợp quốc. Việc Iran giữ cương vị Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, tổ chức quan trọng nhất của Liên hợp quốc về đàm phán giải trừ quân bị, là quyền của Iran phù hợp với thông lệ và các quy định của tổ chức này."

Theo thứ tự bảng chữ cái, Iran sẽ chính thức giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị trong 4 tuần, kể từ ngày 27/5 tới.

Phản ứng trước sự kiện này, phát ngôn viên của Phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc Erin Pelton hôm 13/5 cho rằng việc Iran giữ vị trí này là "không thích hợp và đáng tiếc," do nước này đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi và một quốc gia đang bị áp đặt trừng phạt theo Hiến chương của Liên hợp quốc liên quan đến phổ biến vũ khí hủy diệt không được giữ vai trò chính thức nào trong các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc.

Canada ngày 14/5 cũng tuyên bố sẽ không tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị giải trừ quân bị trong thời gian Iran làm chủ tịch, vì cho rằng đây là một "sự nhạo báng."

Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc gồm 65 nước thành viên, thành lập năm 1978 nhằm thảo luận các hiệp định về kiểm soát vũ khí hóa học và sinh học. Tuy nhiên, các hoạt động của cơ quan này hầu như không tiến triển trong suốt 15 năm qua do bất đồng giữa các nước thành viên.

Chức chủ tịch của cơ quan quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ này hầu như chỉ mang tính nghi thức, song cũng là vị trí gây tranh cãi. Cách đây hai năm, Triều Tiên đảm nhận cương vị này cũng bị các nước phương Tây chỉ trích gay gắt.

Iran hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế khác đối với chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ và châu Âu cũng cáo buộc Tehran vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc về việc xuất khẩu vũ khí sang Syria nhằm hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngày 15/5 tại thủ đô Vienna của Áo, đại diện Iran sẽ thảo luận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về các điều kiện thanh sát chương trình hạt nhân của Tehran. Đây là vòng đàm phán thứ 10 giữa hai bên kể từ đầu năm 2012, song đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào cho phép các thanh sát viên IAEA tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran.

Cuộc đàm phán trong hai ngày 5-6/4 vừa qua giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) tại Almaty, Kazakhstan cũng chưa phá vỡ được bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran.

Hai bên chưa đạt được thỏa thuận về một cách tiếp cận chung nhằm giảm quan ngại của phương Tây về vấn đề này. Các cường quốc đã đề xuất nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran, đổi lại Tehran phải hạn chế hoạt động làm giàu urani tại các cơ sở hạt nhân của nước này mà phương Tây lo ngại nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran luôn khẳng định quyền được làm giàu uranium phục vụ các mục đích dân sự./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục