Lập quỹ hỗ trợ tài chính lực lượng đối lập Libya

Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya đã nhất trí về kế hoạch thiết lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Libya.
Ngày 5/5, Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libya họp tại Rome, Italy đã nhất trí về kế hoạch thiết lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Libya.

Ngoại trưởng Italy Franco Franttini, chủ trì cuộc họp, cho rằng quỹ được gọi là "Cơ chế tài chính tạm thời" này là kênh hiệu quả và minh bạch để hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Libya.

Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (TNC) thuộc phe đối lập ở Libya cho biết phe này cần khoản vay 3 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu cấp bách như thuốc men và thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Italy Franttini, một vấn đề quan trọng cần được ưu tiên giải quyết, đó là những tài khoản ngân hàng của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đang bị Mỹ phong tỏa cần được sử dụng vào các mục đích nhân đạo. Ông Franttini cho biết hiện Italy và Pháp đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tìm giải pháp cho vấn đề này.

Theo báo cáo, hiện EU và Mỹ đang phong tỏa số tài sản trị giá 60 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng và đầu tư của Libya ở nước ngoài.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng nước chủ nhà Italy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết ngoài kế hoạch hỗ trợ tài chính, Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya còn phải thảo luận về việc tăng cường sức ép về chính trị, ngoại giao và thậm chí cả kinh tế đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi để đạt được một lệnh ngừng bắn và giải quyết các vấn đề hậu chiến ở quốc gia Bắc Phi này.

Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya gồm đại diện của hơn 40 nước và tổ chức quốc tế, được thành lập theo đề xuất của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, với nhiệm vụ điều phối các nỗ lực quốc tế hỗ trợ "tiến trình chuyển giao chính trị" và "sắp đặt tương lai" cho Libya.

Đây là lần thứ hai nhóm này họp thảo luận cuộc khủng hoảng tại Libya. Tại cuộc họp lần đầu tiên ở Doha (Qatar), nhóm này đã tuyên bố thiết lập một "cơ chế tài chính tạm thời" hỗ trợ lực lượng chống đối nhà lãnh đạo Gaddafi.

Cũng trong ngày 5/5, Bộ Ngoại giao Anh thông báo trục xuất hai nhà ngoại giao Libya vì đã có những hành động "trái ngược với lợi ích của Vương quốc Anh." Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh William Hague nêu rõ chậm nhất là ngày 11/5 hai nhà ngoại giao nói trên phải rời khỏi Anh.

Đại sứ Libya tại Anh, Omar Jelban cũng đã bị trục xuất và đã rời Anh ngày 2/5 sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào sứ quán Anh ở Tripoli./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục