Mỗi quốc gia một phong tục độc đáo đón Tết

Mỗi dân tộc đều có những phong tục đón Tết độc đáo của riêng mình, nhưng tất cả đều hướng tới một năm mới hạnh phúc và bình an.
Mỗi dân tộc trên thế giới có những phong tục đón Tết độc đáo của riêng mình, nhưng tất cả đều hướng tới một năm mới hạnh phúc và bình an.

Armenia: Bàn tiệc đón năm mới của người Armenia gồm một số món khai vị bánh kẹo và hoa quả. Thú ẩm thực của người Armenia khác những nơi khác bởi sự phong phú về màu sắc của các món thịt.

Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò...

Ba Lan: Tại Ba Lan cũng như ở các nước châu Âu khác, đêm 31/12 rạng sáng 1/1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hóa trang.

Đàn ông ăn mặc như đàn bà đeo mặt nạ trùm kín đầu, trẻ con vẽ thêm râu, thêm tai dài... để cho mọi người không thể nhận ra.

Trước lúc nửa đêm người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly champagne, đồng thanh đếm: “mười... chín... tám..."

Đúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.

Brazil: Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa.

Mọi người thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.

Trước kia, tiệc mừng năm mới thường là tiệc về tín ngưỡng, nhưng ngày nay nó đã trở thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân.

Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên.

Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe.

Nếu ở gần biển, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, thường là 7 ngọn sóng và ném hoa ra biển khi ước. Ngoài ra, một số người còn thắp nến trên bờ biển.

Canada: Người Canada đón năm mới bằng cách xây tuyết xung quanh nhà. Họ cho rằng núi tuyết có thể ngăn được ma quỷ và năm mới được bình yên.

Cuba: Đêm giao thừa, ở cửa sổ các nhà, nước được đổ ào ào... để lấy hên. Khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, người ta bắt đầu nuốt hạt nho, đến khi dứt 12 tiếng chuông phảt nuốt hết 12 hạt nho, như vậy năm mới sẽ được thịnh vượng, may mắn.

Colombia: Đốt "ông năm cũ" là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố tại Colombia. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi búp bê bằng nhiều vật liệu khác nhau. Đôi lúc, họ cho vào đó pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn.

Vào đêm giao thừa, người Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng cho việc thiêu rụi những gì không mong muốn trong quá khứ và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới vui vẻ.

Đức: Đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm.

Ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ, người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.

Gruzia:
Người dân Gruzia được đón tết hai lần: từ ngày 31/12 sang ngày 1/1 và từ ngày 13 sang 14/1 theo kiểu cũ.

Vì vậy, ngày lễ Giáng sinh của những người Gruzia theo đạo Thiên chúa được tính từ đêm 7/1.

Do những người có đạo ở Gruzia thường giữ nếp ăn kiêng nghiêm ngặt trước ngày lễ Giáng sinh nên bàn tiệc đón năm mới đêm giao thừa được chuẩn bị rất thịnh soạn.

Món ăn chính trong bữa tiệc giao thừa là món xaxivi. Đó là một con gà tây quay dội nước sốt quả hạnh nhân.

Người Gruzia đón năm mới với cây thông rất đặc biệt, được gọi là tree tree lucky. Đó là một khúc gỗ được chạm trổ cầu kỳ, trên có treo các loại kẹo ngọt và được ngâm trong một chậu bột, như biểu tượng của may mắn và đầy đủ trong nhà.

Hy Lạp: Ngày đón năm mới mọi người ôm đá qua cửa nhà mình cầu cho sang năm mới được mùa, cầu cho cuộc sống năm mới hạnh phúc.

Italy:
Nếu như vào dịp lễ Giáng sinh người dân Italy dưới chân dãy núi Alps thường tụ họp trong gia đình thì vào ngày lễ năm mới họ thích gặp gỡ các bạn bè ở những nơi đông người và ồn ã.

Chính vì vậy, những nơi phù hợp là các nhà hàng, quán ba, sàn nhảy, quảng trường, vườn hoa.

Mexico: Vào năm mới, mọi người thường tụ họp với người thân và bạn bè. Đêm giao thừa, người Mexico có phong tục đặc biệt. Ví dụ, bật tivi lên để chờ xem hoặc nghe tiếng chuông cất lên 12 lần.

Mỗi lần chuông ngân, người ta lại ăn một quả nho và ước một điều ước, sau đó mọi người ôm nhau và chúc nhau năm mới vui vẻ.

Một số người sẽ xách vali đi vòng quanh nhà với hy vọng sang năm sẽ xuất ngoại.

Người Mexico còn có một tập tục, ăn một loại bánh đặc biệt vào ngày 6/1. Loại bánh này có một cái lỗ ở giữa và chứa một món đồ nhỏ trong đó. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5/2.

Nga: Đón năm mới là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Nga trong năm, bởi đây là ngày lễ của hạnh phúc và bình an.

Một cây thông to được đặt ở quảng trường cung điện Kremli (Mátxcơva).

Đến 12 giờ đêm giao thừa, ông già Noel xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng diễm lệ, vai mang túi quà để phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông.

Ngay đầu năm mới, người dân có tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.

Australia: Vào thời điểm đầu năm mới, thời tiết ở Australia bắt đầu ấm dần lên sau mùa băng giá nên người dân thường đi picnic hoặc ra biển.

Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức đổ ra đường chúc tụng nhau va xem bắn pháo hoa, làm huyên náo thành phố bằng đủ mọi âm thanh.

Pakistan: Ngày xuân mới, người dân thường rắc phấn hồng lên bục cửa, hình thành dòng chữ “chúc mừng năm mới”. Trên trán mỗi người có quét phấn hồng biểu thị niềm vui đón xuân.

Séc: Vào dịp năm mới, mọi người trong gia đình thường cùng nhau ngồi quanh bàn tiệc dùng món cháo tấm - được gọi là “súp triệu hạt”.

Những hạt tấm nhỏ tượng trưng các đồng xu và có nghĩa là ai ăn món này thì trong năm mới sẽ luôn có nhiều tiền.

Một trong những tập tục truyền thống đón năm mới ở Séc là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được phơi quần áo lót, nếu không thì trong năm mới thế nào trong nhà cũng có người bị chết, cũng không được quét nhà và đổ rác ra khỏi nhà.

Tây Ban Nha:
Trước khi đón năm mới mọi người không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười lớn để đón năm mới và vào đúng giờ giao thừa người nào ăn xong 12 quả nho sẽ được hưởng hạnh phúc cả năm.

Thổ Nhĩ Kỳ: Người dân đón chào năm mới vào ngày 31/12. Một số người sẽ tổ chức một bữa tiệc đặc biệt đón năm mới với người thân trong gia đình và bạn bè.

Món ăn truyền thống trong dịp này là gà tây. Dù một số gia đình thích trang trí nhà cửa bằng cây thông nhưng đa phần không trang trí cái gì đặc biệt.

Thụy Sĩ: Vào ngày cuối cùng của tháng 12, tất cả mọi người đều rất bận rộn. Tất cả các cửa hàng bán đồ ăn và rượu đều chật cứng.

Đến thời điểm giao thừa, mọi người nâng cốc và ăn bánh mỳ vì tất cả những điều tốt đẹp đã xảy ra trong năm qua. Sau đó, mọi người ôm hôn lẫn nhau không chỉ ba lần mà rất nhiều lần.

Cũng tại Thụy Sĩ, ngày tết, người dân kết thành một hội trèo lên đỉnh núi tuyết, đứng trên cao, giữa khoảng không thi nhau hò hét để tống tiễn năm cũ, đón chào năm mới.

Ukraine: Sáng mồng 1, nông dân Ukraine thường đem thóc và ngô rắc xung quanh nhà để cầu mong một năm mới bội thu.

Venezuela: Mọi người thường mặc đồ lót màu vàng vào dịp năm mới. Những ai mặc như vậy sẽ được may mắn.

Vào đêm giao thừa, hầu hết mọi người đều ăn 12 quả nho để cầu may mắn trong năm tới.

Có một số người viết mong ước vào một bức thư và sau đó đem đốt. ở các gia đình đều có bữa tiệc lớn với champagne.

Scotland và xứ Wales: Người dân của hai xứ này từ lâu vẫn có tục kiêng phụ nữ và người tóc hung đến xông nhà ngày Tết vì cho rằng họ mang đến điềm dữ.

Ngày mồng 1 Tết dương lịch nhà nào nhà nấy đều mở rộng cửa đón mừng mọi người đến chơi.

Khi xông nhà ai, khách thường mang theo những hòn than, bỏ một hòn than vào lò sưởi nhà người đó và nói: “Lửa ơi, lửa cháy cho bền”./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục