Diễn đàn về thuốc thảo dược Tây Thái Bình Dương

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội nghị diễn đàn hoà hợp các thuốc có nguồn gốc thảo dược khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ngày 27/11, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội nghị diễn đàn hoà hợp các thuốc có nguồn gốc thảo dược khu vực Tây Thái Bình Dương với sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ các nước như: Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... trong lĩnh vực này.

Y dược học cổ truyền Việt Nam có nhiều loại cây thuốc quý, nhiều bài thuốc hay và nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của đồng bào các dân tộc trải qua thực tiễn hàng ngàn năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị chữa bệnh, cứu người.

Đặc biệt, những bài thuốc bồi bổ cơ thể được nhiều người sử dụng, đã góp phần nâng cao thể trạng của người Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh... không chỉ người dân Việt Nam ưa chuộng sử dụng chữa bệnh mà người dân nhiều nước trên thế giới cũng rất tin tưởng và ưa thích, nó trở thành phương pháp chữa bệnh độc đáo trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã từng bước lồng ghép Y dược cổ truyền vào hệ thống Y tế quốc gia, phát huy vai trò to lớn của Y dược cổ truyền. Đường lối phát triển Y dược học cổ truyền Việt Nam đã được khẳng định nhất quán trong nhiều năm qua là: Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại, xây dựng nền y dược học cổ truyền Việt Nam khoa học dân tộc và đại chúng. Hiện đại hóa y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đang là mục tiêu và yêu cầu phát triển của thời đại.

Thời gian qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên lĩnh vực y dược học cổ truyền, với mạng lưới công tác y dược học cổ truyền từ Trung ương đến cơ sở.

Hiện nay, cả nước có 5 viện và bệnh viện đầu ngành về y dược học cổ truyền và 54 bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh/thành phố.

Trong các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều có khoa y học cổ truyền; bệnh viện huyện có khoa y học cổ truyền hoặc có bác sỹ y học cổ truyền trong khoa nội; trạm y tế xã, phường có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và vườn cây thuốc nam. Ngoài ra, còn có các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền ngoài công lập như phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền.

Kỳ họp thứ 10 của ban thường trực Diễn đàn hoà hợp các thuốc có nguồn gốc thảo dược khu vực Tây Thái Bình Dương đã trình bày tham luận tập trung vào các nội dung như: Các quy định về quản lý thuốc từ dược liệu, chiết xuất dược liệu và y học cổ truyền.

Nhiều bài báo cáo đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu như: "Chiến lược phát triển thuốc từ dược liệu trong khu vực"; "Quy định mới nhất về quản lý thuốc từ dược liệu." Cùng với các "Đề xuất nghiên cứu xây dựng chất đối chiếu"; "Dự án vườn dược liệu Yên Tử"; "Cập nhật quy định về hiện đại hoá sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có nguồn gốc tự nhiên."

Dự án "Cấy ghép, tuân thủ quy định, thực thi và các hoạt động quan sát an toàn ở Canada"; "Nghiên cứu chiết xuất và tinh chế hợp chất nguồn gốc tự nhiên để xây dựng chất chuẩn phục vụ việc kiểm nghiệm chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu ở Việt Nam"; "Báo cáo của hệ thống cảnh giác dược về thuốc từ dược liệu trộn tân dược"; "Thuốc y học cổ truyền và dị ứng"... đã được giới thiệu tại hội nghị./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục