Chi phí hậu cần Indonesia vẫn tiếp tục ở mức cao

Theo nghiên cứu mới nhất của Frost & Sulivan, chi phí hậu cần của Indonesia vẫn tiếp tục ở mức cao do các điều kiện cảng xấu đi.
Theo công bố của Frost & Sulivan, chi phí hậu cần của Indonesia vẫn tiếp tục ở mức cao do các điều kiện cảng xấu đi, mặc dù nền kinh tế nước này liên tục tăng trưởng trên 6% trong những năm gần đây đã cho phép ngành hậu cần tăng trưởng tới 14,5% lên 1.634 nghìn tỷ rupiah (168,5 tỷ USD), tạo ra dòng chảy mạnh về vốn và thúc đẩy lĩnh vực chế tạo

Theo khảo sát của Frost & Sullivan, tổng khối lượng hàng hóa vận tải biển của Indonesia dự kiến ​​sẽ tăng 6,1% lên 1 tỷ tấn trong năm 2013, so với 943, triệu tấn năm 2012, và các cảng biên chiếm tới trên 90% tổng lượng hàng hóa lưu thông. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và kết nối cảng biển yếu không những làm tăng chi phí hậu cần, mà còn kìm hãm mức tăng trưởng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tầu Indonesia (INSA), Asmari Herry cho biết rất nhiều cảng ở nước này chưa phát triển, một số thậm chí còn phải đối mặt với nhiều vấn đề, chẳng hạn như lũ thủy triều, và điều này làm tăng chi phí hậu cần. Chẳng hạn cảng Tanjung Priok ở Jakarta, cửa ngõ chính của đất nước, trung chuyển gần 6,3 triệu container loại 20 foot (TEU) trong năm 2012, và dự kiến sẽ tăng lên 7 triệu container năm 2013, tron gkhi năng ực thiết kế của cảng chỉ có 5 triệu container.

Hiện Công ty cảng biển nhà nước Pelindo II (IPC) của Indonesia đang xây dựng cảng Kalibaru, hay còn gọi là cảng Priok mới, nhằm giúp giảm tải cho cảng Tanjunk Priok, và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2015, với tổng công suất 1,5 triệu TEU.

Ông Asmari Herry cho biết, sau khi được vận tải bằng đường biển, hàng hóa lại được vận chuyển bằng đường bộ tới các khu công nghiệp hay đô thị nên chi phí hậu cần gia tăng. Chi phí này hiện nay của Indonesia đã lên tới 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 14,08% giá hàng hóa.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Indonesia ở vị trí 59 trong 155 nền kinh tế đang phát triển và phát triển về chỉ số hậu cần, so với các thứ hạng tương ứng 29 của Malaysia, Thái Lan (38), Philippines (52) và Việt Nam (53).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Indonesia, EE Mangindaan nói rằng Chính phủ nước này đang dành ưu tiên phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải biển trong Kế hoạch phát triển Giao thông vận tải quốc gia giai đoạn 2010-2015 để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần trong tương lai.

Bộ này đã chi hơn 6.000 tỷ rupiah trong năm 2012 và 2013 để phát triển 131 cảng, trong đó mở rộng 53 cảng và xây dựng 78 cảng mới, đặc biệt là ở các tỉnh miền Đông đất nước, và dành 5.000 tỷ rupiah để duy tu và bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ quốc gia./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục