Vật tư nông nghiệp vi phạm chất lượng gia tăng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn đã bày tỏ lo ngại về tình trạng vật tư nông nghiệp vi phạm chất lượng  gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu giả gia tăng.

Tại cuộc họp rà soát quản lý vật tư nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 16/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần quy rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào để có chế tài xử lí. Nếu thuốc bảo vệ thực vật "rởm" tung hoành ngoài thị trường thì trách nhiệm phải thuộc về Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị phải truy đến tận nơi sản xuất hàng hóa vi phạm, nếu tiếp tục vi phạm lần hai, lần ba thì phải rút giấy phép kinh doanh.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật, quy định trong quản lý vật tư nông nghiệp đã xuất hiện sự chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Thời gian tới, các địa phương cần được phân cấp quản lý gian lận, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để tạo hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  cho biết sáu tháng đầu năm 2010 đã thành lập 12 đoàn kiểm tra 268 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón tại chín tỉnh, thành phố và kiểm tra chất lượng 383 mẫu phân bón. Kết quả cho thấy có 138/383 mẫu không đạt và 61/268 cơ sở vi phạm.

Kết quả giám sát chất lượng thịt tại một số tỉnh, thành và chất lượng thuốc thú y của Cục Thú y thời gian qua cũng rất đáng lo ngại.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện cả nước có hơn 17.120 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có 617 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm hơn 3,6% và cũng chỉ có hơn 7.200 cơ sở giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát. Chính điều này dẫn tới việc vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng, nhất là tại các tỉnh, thành phía Bắc.

So với Hà Nội thì ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc vi phạm ít hơn do tỷ lệ kiểm soát trong giết mổ ở khu vực này đạt mức cao, chiếm đến 97% số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ.

Cùng với đó, các tỉnh phía Nam hầu như đã thực hiện xong quy hoạch các cơ sở giết mổ và kiểm soát được lượng lớn thịt lưu thông trên thị trường./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục