Kinh tế nhiều khởi sắc

Kinh tế VN nhiều khởi sắc nhưng chưa bền vững

Theo TS Võ Trí Thành, sau 5 năm gia nhập WTO, tình hình kinh tế VN được cải thiện nhưng bất ổn kinh tế vĩ mô đã thành “căn bệnh” dai đẳng.
Ðánh giá về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc nhưng nền kinh tế còn bộc lộ nhiều khó khăn do bất ổn về thể chế, kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính, năng lực cạnh tranh.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương.

- Xin ông cho biết những cơ hội và thách thức của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Những cơ hội mà Việt Nam đạt được đó là tiếp cận được thị trường thế giới. Các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực tài chính, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm cũng như lao động chất lượng cao bên ngoài. Đặc biệt là các doanh nghiệp được áp sát tiêu chuẩn thế giới trong khuôn khổ cam kết hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh đạt quy chuẩn chất lượng cũng như kết quả của nền kinh tế theo tiêu chí của WTO.

Nổi bật hơn cả là tình hình kinh tế Việt Nam được cải thiện, trong hoạt động thương mại kinh tế quốc tế cũng như đánh giá nhìn nhận của nước ngoài về triển vọng, độ tin cậy của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chúng ta đã nhìn nhận ra những thách thức, trước mắt là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Tôi cho rằng, cạnh tranh là rất tốt tạo ra sự vươn lên, đằng sau sự vươn lên đó là hiệu quả tốt hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó dẫn đến chi phí điều chỉnh tăng, sự phá sản, các doanh nghiệp không tiếp cận được với cơ hội mới, khoảng cách giàu nghèo gây nên sự tổn phí cho xã hội. Nền kinh tế Việt Nam vốn đã mở cửa, ngày càng sâu rộng hơn. Như vậy, nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn, nhạy cảm hơn với những biến động từ bên ngoài. Ví dụ như: đồng vốn, cú sốc về giá cả, thị trường, nếu ứng xử không khéo sẽ bị rối loạn, thậm chí là khủng hoảng.

- Nhìn nhận từ cơ hội và thách thức đan xen như vậy, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện những yếu tố nào để nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn?

Tiến sĩ Võ Trí Thành:
Phải nói rằng là chúng ta đã cố gắng hoàn thiện thể chế, pháp lý. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã vươn lên, tuy nhiên, có những việc chúng ta làm còn chưa tốt như chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội. Ví dụ như chúng ta chưa cân đối được giữa cạnh tranh với sự bảo hộ của Nhà nước. Giữa 2 yếu tố này chúng ta còn ứng xử chưa tốt. Như vậy, cho đến nay, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, những đối phó trong chi phí điều chỉnh, chúng ta thấy còn có những cú sốc vì cách thức hỗ trợ của chúng ta còn thiếu trực tiếp, chưa thực sự là tốt. Vốn dĩ nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn thì lại trở nên bất ổn hơn. Bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành “căn bệnh” dai đẳng trong suốt 5 năm qua.

- Những bất ổn về kinh tế vĩ mô thời gian qua, xin ông cho biết, có phải do nền kinh tế Việt Nam gia nhập WTO?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Câu chuyện có phải do Việt Nam gia nhập WTO không? Hay là không? Để đánh giá được tác động của việc gia nhập WTO là không đơn giản, nó là sự giao thoa giữa biến động bên ngoài, mức độ mở cửa gia nhập WTO, phản ứng chính sách, thay đổi thể chế trong nước… Đó là sự đan xen của phản ứng chính sách, biến động từ bên ngoài, gắn với cam kết của WTO và các cam kết hiệp định thương mại tự do khác. Nếu mà tách bạch ra thì rất là khó.

Tuy nhiên, rõ ràng là cơ hội được mở ra. Ví dụ như thương mại hay đầu tư FDI tăng hay là khi nền kinh tế được mở ra nói chung hơn thì những cú sốc từ bên ngoài vào Việt Nam lan tỏa nhanh hơn. Nhưng, sự chuẩn bị về phản ứng chính sách của VN chưa thật chu đáo, phản ứng chưa hợp lý. Việc đó rõ ràng là sự phản ứng gián tiếp của việc mở cửa sâu rộng hơn. Nếu nhìn nhận về việc đánh giá các con số tăng trưởng trên các lĩnh vực thì thấy rằng việc đầu tư kém hiệu quả hơn. Do đó, tổng đầu tư toàn xã hội tăng nhưng ngược lại tăng trưởng lại giảm. Do vậy, chúng ta chưa đánh giá được các con số tăng hay giảm trong thời gian qua.

- Để phát triển nền kinh tế một cách bền vững, theo ông, Nhà nước cần tập trung cải cách những yếu tố nào?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Hội nhập chỉ là điều kiện cần, không phải là đủ cho sự phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững, mà đủ phải là cải cách trong nước. Bài học vừa qua cho thấy, việc cải cách rất quan trọng. Do đó, các cải cách về thể chế, pháp lý, khuôn khổ pháp lý, sự điều hành của bộ máy hành chính, bộ máy Nhà nước làm sao vừa giảm được chi phí cho doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn và phù hợp với cam kết hơn. Đó là những việc cần làm đầu tiên. Tiếp đến là nâng cao sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố đòi hỏi từ Chính phủ lẫn doanh nghiệp cần phải nỗ lực, là nền tảng cho một nền kinh tế hoạt động hiệu quả.

Thế giới đang rất bất định, rủi ro cao, biến động lớn cho nên Việt Nam cần có những ứng xử về chính sách nền tảng linh hoạt để phát triển nền kinh tế. Theo đó, chúng ta cần tập trung nhiều để phát triển, ví dụ như: thể chế, môi trường kinh doanh, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường công nghệ, thị trường tài chính và kết cấu hạ tầng.

- Xin cám ơn ông./.


Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục