Giới thiệu đất nước Việt Nam đổi mới với quốc tế

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã giới thiệu về đất nước Việt Nam đổi mới với Đoàn đại biểu Ấn Độ.
Trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ năm 2011, chiều 20/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Trần Đắc Lợi đã giới thiệu về đất nước Việt Nam đổi mới với Đoàn đại biểu Nhân dân Ấn Độ.

Đoàn đại biểu Ấn Độ do Tổng thư ký Tổ chức Đoàn kết và Hòa bình toàn Ấn Độ Reddy Yadav Komplally, thành viên Hội đồng lập pháp bang Andra Pradesh làm Trưởng đoàn, sang tham dự Liên hoan.

Phó Chủ tịch Trần Đắc Lợi đã giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trước thời kỳ đổi mới và những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội từ năm 1986 đến nay.

Thông báo về đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ 1986 đến nay, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Đắc Lợi cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để năng động hóa và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã nêu cao vai trò của chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế; tích cực xóa đói giảm nghèo, tôn trọng lợi ích chính đáng của mọi giai tầng xã hội, coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện để ai cũng được học hành, phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ cho người dân, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển, tạo điều kiện cho ai nấy đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Đắc Lợi nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định lấy đổi mới kinh tế là trung tâm, đồng thời coi trọng đổi mới chính trị, xã hội, văn hóa với những bước đi và hình thức phù hợp. Kết quả là sự nghiệp đổi mới toàn diện ở Việt Nam hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Việt Nam đã "hoàn thành sớm hơn 10 năm so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015," mà Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc đã đề ra./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục