EIU cho rằng Trung Quốc tiếp tục thắt chặt tiền tệ

EIU thuộc tạp chí Nhà kinh tế nhận định, nỗ lực kiềm chế lạm phát của Trung Quốc chưa mấy thành công, nên vẫn cần thắt chặt tiền tệ.
Dù những số liệu gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, nhưng nỗ lực kiềm chế lạm phát của nước này cho đến nay dường như chưa mấy thành công, vì vậy, vẫn cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong phần cả năm nay.

Đây là nhận định của Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế ngày 17/5.

Bên cạnh đó, những lo ngại mới về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng tạo ra những rủi ro từ bên ngoài đối với Trung Quốc, làm triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này bị hạn chế.

Giữ lạm phát trong tầm kiểm soát hiện là một thách thức chính của Trung Quốc. Nhu cầu tăng cao cùng với lượng tiền mặt tăng nhanh đã góp phần đẩy giá cả lên - thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc dẫn đến một dòng tiền lớn chảy vào trong khi lại không có một đồng tiền được thả nổi tự do. Tuy vậy, chi phí đầu vào tăng cao là một mối đe dọa lớn.

Việc các công ty phải trả lương cao hơn để giữ chân công nhân đang tạo ra sức ép đối với giá tiêu dùng cũng như làm tăng chi phí sản xuất. Chi phí lao động tăng cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá của các sản phảm nông nghiệp, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Giá nguyên liệu toàn cầu, nhất là dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác, cũng là một yếu tố làm tăng chi phí đầu vào.

Giá lương thực ở Trung Quốc cũng đang trong xu hướng tăng dài hạn do đất sản xuất nông nghiệp ít đi và giá các nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp tăng. Do những áp lực này, việc lạm phát của Trung Quốc giảm nhẹ từ mức 5,4% trong tháng Ba xuống mức 5,3% trong tháng Tư không thể hiện rằng lạm phát giảm sẽ được duy trì.

Theo EIU, điều này làm Chính phủ Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp thắt chặt tiền tệ.

Giữa tháng Năm, dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đã được tăng lần thứ tám kể từ tháng 10/2010, đưa tỷ lệ này lên mức 21%; lãi suất cũng tăng 4 lần có thể tiếp tục tăng trong quý II và III năm nay.

Với việc chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát nên có nguy cơ chính phủ Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách quá mức.

Cộng với đó là những vấn đề khó khăn của các khu vực khác trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm mạnh như năm 2008-2009.

Vì vậy, mặc dù vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2011 của Trung Quốc sẽ là 9%, nhưng EIU cảnh báo rằng, chỉ số này có thể sẽ thấp hơn nếu sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu yếu hơn so với dự báo hoặc Trung Quốc thắt chặt chính sách quá mức./.

Đình Thư (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục