Số lượng "đệ tử lưu linh" tại Australia tăng mạnh

22% tổng số dân Australia, tương đương 3,5 triệu người, phải đối diện với các vấn đề nghiêm trọng hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi rượu.
Báo cáo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu chất cồn và dược phẩm quốc gia Australia (NDARC) cho biết nước này là một trong những quốc gia có nhiều người nghiện chất cồn nhất thế giới cũng như có nhiều "đệ tử lưu linh" phải chữa trị tại các trung tâm y tế.

Mạng tin trực tuyến ABC đăng tải nghiên cứu gần đây nhất của NDARC cho biết có khoảng 18% người Australia đã trải qua các giai đoạn "trục trặc" với rượu trong cuộc đời họ, khoảng 4% trong số đó đã nghiện rượu nặng.

Theo đánh giá, những người gặp trục trặc với rượu bao gồm các thành phần không có khả năng thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và nơi làm việc hoặc tham gia các khóa học cai nghiện, không thực hiện đầy đủ quy định luật pháp.

Giáo sư Maree Teesson tiết lộ, có tới 22% tổng số dân Australia, tương đương 3,5 triệu người, sẽ phải đối diện với các vấn đề nghiêm trọng hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi rượu trong cuộc đời.

Theo bà, đa số họ là những người trẻ tuổi và cứ năm người thì có một người phải tìm tới sự giúp đỡ của các chuyên gia chữa trị chứng nghiện rượu.

"Hầu hết những người nghiện rượu đều muốn tự giải quyết vấn đề mà không cần tới sự hỗ trợ điều trị vật lý hoặc tâm lý, chính vì vậy hậu quả của việc này sẽ hết sức nghiêm trọng," bà Teesson nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hậu quả của việc uống rượu là nhiều vấn đề xã hội như đánh nhau, lái xe gây tai nạn, bỏ việc, xao lãng chăm sóc con cái...

Giáo sư Teesson và đồng nghiệp đã tiến hành phân tích các dữ liệu dựa trên 9.000 người tham gia có độ tuổi từ 16-85. Theo kết quả, có tới 1/3 đàn ông tại xứ sở chuột túi phải trải qua các chấn động tâm lý do nhiều lần "quá chén," cao gấp đôi so với giới nữ lạm dụng loại chất cồn gây nghiện này.

Đáng chú ý là những người đã kết hôn và không thuộc nhóm những cư dân xuất xứ từ châu Âu lại ít gặp rắc rối với rượu hơn .

Australia có hơn 40% người nghiện rượu gặp vấn đề về tâm lý, con số này tương đương với New Zealand và Mỹ song lại cao hơn nhiều lần so với các quốc gia phát triển khác tại châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha.../.

Tuấn Anh/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục