Phía sau màn xiếc thú

Nạn bạo lực đối với động vật xiếc thú ở Trung Quốc

Tại các vườn thú, công viên ở Trung Quốc, đằng sau màn trình diễn thu hút du khách là vấn nạn huấn luyện bạo lực với động vật.
Tại các vườn thú, công viên ở Trung Quốc, đằng sau những màn trình diễn thu hút du khách là vấn nạn huấn luyện bạo lực với động vật, thường xuyên đánh đập cũng như lạm dụng, nuôi nhốt chúng trong những chuồng cũi không đạt tiêu chuẩn.

Vấn nạn trên đã được nhấn mạnh trong báo cáo dài 28 trang mới công bố của Quỹ Động vật châu Á có trụ sở tại Hongkong.

Tổ chức trên đã khảo sát điều kiện sống và các màn trình diễn thú ở 13 công viên và vườn thú tại Trung Quốc trong khoảng thời gian một năm tính đến tháng Tám này.

Kết quả đáng giật mình: Gấu thường bị đánh, vụt bằng gậy, voi bị thúc bằng móc sắt, hổ và sư tử bị bẻ nanh và vuốt khiến chúng phải chịu đau kinh niên.

Theo Quỹ Động vật châu Á, gấu đen là loài vật tham gia biểu diễn nhiều nhất, thường bị ép buộc phải thực hiện các trò như đi xe đạp, đi xe ba bánh và thậm chí là cả cưỡi ngựa.

Báo cáo kết luận: “Sự kết hợp của những màn trình diễn, các phương pháp huấn luyện lạm dụng và điều kiện ăn ở không tương xứng đang khiến hàng nghìn động vật trình diễn ở Trung Quốc phải chịu đựng nặng nề.”

Đầu năm nay, vấn đề đối xử động vật tại Trung Quốc được quan tâm đặc biệt khi xảy ra vụ 11 con hổ Siberia quý hiếm bị chết trong vòng 3 tháng tại Vườn động vật hoang dã Thẩm Dương. Những con hổ này bị bỏ đói đến chết sau khi nhiều tuần liền chỉ được cho ăn xương gà ít ỏi.

Tháng trước, cơ quan quản lý lâm nghiệp Trung Quốc đã ra chỉ thị cần nhanh chóng giải quyết, triệt phá những hoạt động đối xử tàn tệ với động vật vì mục đích biểu diễn.

Cơ quan này chỉ trích các công viên, vườn thú bị “ám ảnh bởi lợi nhuận trong khi không quan tâm chú ý đến các biện pháp bảo tồn. Các hình thức không chính đáng được áp dụng trong đối xử với động vật hoang dã. Điều này không chỉ đem đến nguy cơ tiềm tàng cho các loài động vật quý hiếm mà còn ảnh hưởng xấu đến vai trò và hình ảnh của Trung Quốc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.”

David Neale, Chủ tịch Quỹ Đông vật châu Á, nhận xét: “Có ít giá trị giáo dục khi xem động vật trong những điều kiện không tương đồng với môi trường tự nhiên của chúng”./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục