Hà Nội gỡ khó cho các dự án bị “trói” mặt bằng

Đến 30/6, Hà Nội sẽ bàn giao mặt bằng sạch các dự án giao thông trọng điểm đi qua các quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô hiện nay như cao tốc Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, đường dẫn cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài – Lào Cai vẫn chưa thể giải quyết thống nhất trong công tác giải phóng mặt bằng đã dẫn đến tiến độ chậm.

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải về các dự án giao thông trọng điểm vào sáng nay (4/4).

Mặt bằng “trói” tiến độ dự án


Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội dù đã được khởi công cách đây vài năm nhưng đến thời điểm này, các gói thầu đều triển khai rất vất vả và phải điều chỉnh tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chủ đầu tư dự án giao thông, tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, công tác giải phóng và đền bù cho người dân chưa đồng thuận với giá đền bù do không sát với giá thị trường, dự án xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án được triển khai thực hiện quá chậm, thậm chí còn chưa phê duyệt khi dự án đã thi công.
 
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội Thái Nguyên cho biết, tại 3 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn có dự án đi qua vẫn còn vướng tới gần 30 hộ dân chưa chịu di dời để hoàn trả mặt bằng cho đơn vị thi công và 2 đường điện cắt ngang tuyến.

[Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thông xe vào 31/12]


Theo ông Khoa, số hộ dân trên vẫn chưa đồng ý với giá tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, khu tái định cư mới đang triển khai trình tự thủ tục và giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Cũng chung nhận định đó, đại diện Ban quản lý dự án 85, chủ đầu tư hai dự án đường dẫn cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân ở dự án trên tiến hành quá chậm. Các vị trí “vướng” mặt bằng đều là đường “găng” quyết định đến tiến độ thi công.

Chứng minh điều này, tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nơi có nhiều dự án giao thông trong điểm đi qua và là một trong những điểm “nóng” nhất của toàn thành phố Hà Nội về giải phóng mặt bằng cho thấy, chỉ tính riêng 3 gói thầu của dự án đường dẫn cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài vẫn tồn tại tới 425 hộ dân có đất thổ cư vẫn chưa chịu di dời dù đã nhận tiền đền bù mặt bằng.

Thậm chí, theo đại diện Ban quản lý dự án 85, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện Sóc Sơn lập phương án hỗ trợ và tạm cư 9 tháng cho các hộ dân phải di chuyển nhưng tình hình thực hiện các dự án tái định cư chỉ ở bước đầu thiết kế kỹ thuật, chưa chọn nhà thầu thi công nên các hộ gia đình đều đề nghị phải cấp đất tái định cư cùng với thời điểm nhận tiền bồi thường thì mới chịu di dời.

“Một số hộ đã bàn giao nhưng lại nằm vị trí xen kẽ nhà ở nên không có đường vào để đơn vị thi công trên diện tích đã giải phóng xong,” đại diện chủ đầu tư dự án cho hay.

Được khởi công từ năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2014, dự án cầu Nhật Tân bị vướng mặt bằng ở gói thầu số 2 nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng - Tây Hồ) với 278 hộ dân.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, đến nay, tình hình giải phóng mặt bằng vẫn không có biến chuyển.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, hiện, 178 hộ dân đã bàn giao mặt bằng và di dời. Tuy nhiên, đơn vị thi công không thể tiến hành làm được vì nhà cửa các hộ này xen kẽ với 100 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

“Giá đền bù do không sát với giá thị trường của thành phố đồng thời không chấp hành cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm đo đạc. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng sạch gặp nhiều khó khăn,” ông Tuấn cho hay.

Cũng theo đại diện của các huyện, trong diện tích chậm bàn giao mặt bằng vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc sự quản lý của sở, ngành thành phố như trạm điện, hệ thống chiếu sáng, trạm viễn thông...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Với việc chậm bàn giao mặt bằng các dự án trên sẽ dẫn đến thời gian thi công hoàn thành các gói thầu bị kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án.”

Thậm chí, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, một số gói thầu tiềm ẩn nguy cơ bị nhà thầu kiện vì chậm trễ giải phóng mặt bằng.

Đến 30/6 phải bàn giao mặt bằng sạch


Để “thúc” giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu các quận, huyện phải đặt ra mốc thời gian cho từng dự án về công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cụ thể, Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đến 30/4 sẽ giải quyết đất thổ cư xong và đến trung tuần tháng 5 sẽ di chuyển vị trí các đường điện hạ cao thế.

Dự án đường nối sân bay Nội Bài – cầu Nhật Tân, cầu Nhật Tân sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng sạch chậm nhất vào cuối tháng 6/2014.

[Cầu Nhật Tân có về đích đúng hẹn vào năm 2014?]


“Chậm nhất đến 30/6, các quận huyện trên địa bàn Hà Nội có dự án giao thông đi qua phải giao đất cho chủ đầu tư thì mới có thể đáp ứng tiến độ công trình đồng thời cũng phải đảm bảo bố trí tái định cư kịp thời cho người dân,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải với Thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh các ban ngành có liên quan đến các dự án cần đẩy nhanh công tác quy hoạch giao thông Thủ đô mà cụ thể là giải phóng mặt bằng./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục