Điều hành kinh tế: Cần tránh bẫy hai tăng một giảm

Vượt lên những khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm đã có bước chuyển tích cực khi không những hoàn thành được mục tiêu ưu tiên cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức 2,52% mà tốc độ tăng trưởng GDP vẫn giữ được ở mức 4,38%. Tuy nhiên, trong sáu tháng còn lại của năm, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục phải thận trọng để nền kinh tế không rơi vào “bẫy” hai tăng một giảm.
Vượt lên những khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm đã có bước chuyển tích cực khi không những hoàn thành được mục tiêu ưu tiên cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức 2,52% mà tốc độ tăng trưởng GDP vẫn giữ được ở mức 4,38%.

Tuy nhiên, trong sáu tháng còn lại của năm, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục phải thận trọng để nền kinh tế không rơi vào “bẫy” hai tăng một giảm.

Chưa rơi vào giảm phát

Tại họp báo ngày 29/6, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức khẳng định nền kinh tế gặp khó khăn là rất rõ nhưng chưa đến mức rơi vào tình trạng giảm phát như quan ngại của một số chuyên gia. Ngược lại, các chỉ báo đo lường “sức khỏe” còn cho thấy nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi khá rõ nét.

Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,38% so với cùng kỳ 2011 và là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm nhưng tốc độ tăng trưởng đã có những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tăng GDP của quý II đã cao hơn quý I.

Về tài khóa, thu ngân sách vẫn tăng 5,1% trong khi bội chi ngân sách chỉ tăng 4,8%. Tỷ giá ổn định. Dự trữ ngoại tệ bằng 11 tuần xuất khẩu, cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm.

Về cân đối thương mại, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng qua đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, góp phần kiềm chế nhập siêu của cả nước bằng 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ như điện thoại và linh kiện tăng 129,8%, điện tử máy tính và linh kiện tăng gần 85%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 43,5%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng gần 56%.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy cho biết mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sáu tháng đầu năm chỉ tăng 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và 8,9% của cùng kỳ 2010 nhưng bắt đầu từ quý II trở đi, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng IIP qua các tháng có sự cải thiện đáng kể, từ mức 6,5% tháng Ba lên 7,5% tháng Tư và lên 8% trong tháng Sáu trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn.

Tương tự như vậy, chỉ số tồn kho đến hết tháng Năm tăng 26%, cao hơn nhiều so với mức 15,6% của cùng kỳ 2011. Nhưng chỉ số này cũng đã giảm rõ rệt qua các tháng, cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp khi sản phẩm đã được tiêu thụ tốt hơn và doanh nghiệp đã có vòng quay vốn tốt hơn.

Khó khăn vẫn “rình rập”

Theo Vụ trưởng Vụ Thương mại Tổng cục Thống kê Lê Thị Minh Thủy, mặc dù nhập siêu sáu tháng qua ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm nhưng với một nền kinh tế và tiêu dùng có liên quan mật thiết tới nhập khẩu như Việt Nam, con số này chứng tỏ sản xuất trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn và thị trường tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa có đầu ra mạnh mẽ.

Đáng chú ý, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam chưa đạt được mục tiêu tăng dần nhập khẩu công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong khi đó, dù kim ngạch xuất khẩu sáu tháng tăng cao nhưng động lực chủ yếu lại đến từ khu vực FDI bởi các doanh nghiệp này có ưu thế hơn doanh nghiệp trong nước cả về công nghệ, hàm lượng chất xám cũng như vốn và thị trường.

Thêm vào đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức lớn khi kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam như gạo, càphê đang bị giảm cả về lượng và kim ngạch. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 9,4% về lượng (chỉ đạt 3,7 triệu tấn) và 15,3% về kim ngạch (chỉ đạt 1,7 tỷ USD) trong sáu tháng qua.

Do kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn để sản xuất, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất là 26.324 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2011, trong đó, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng 35,4% và số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 1,3%.

Thận trọng trong điều hành

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở mức quá thấp so với mục tiêu đặt ra, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ trong 6 tháng cuối năm để giúp hồi phục kinh tế trên cơ sở lý thuyết là cần thiết.

Tuy nhiên, với “sức khỏe” nền kinh tế như hiện nay, việc tung ra các gói kích cầu và hỗ trợ cần phải được tính toán hết sức cẩn trọng để đảm bảo “cơ thể” kinh tế có thể “thẩm thấu” được.

“Bơm tiền ra không đúng đối tượng, không đúng liều lượng và thời điểm tức là kiểm soát không tốt sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào trạng thái nguy hiểm như thời kỳ 2008-2009," tiến sỹ Đỗ Thức cảnh báo.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2012, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng gần 7%, cao hơn hai lần so với giá GDP hiện hành chứng tỏ vòng quay tiền tệ là rất thấp trong khi cung tiền nhiều hơn hàng, dễ dẫn tới tăng giá hàng hóa. "Vì vậy, vào lúc này, Chính phủ chưa nên 'tung' ra gói kích cầu kiểu như gói kích cầu năm 2009," ông Thức khuyến nghị.

Hiện ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 12-14%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 18-20%/năm như các tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Vì vậy, giải pháp cần tập trung lúc này là tạo điều kiện thuận lợi, khơi thông dòng vốn để nguồn tiền vẫn nằm tại các hệ thống ngân hàng đến được đúng địa chỉ, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. “Nếu làm tốt việc khơi thông, chưa chắc đã cần tới gói kích cầu,” ông Thức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải triệt để thi hành Nghị quyết 11 của Chính phủ nhưng chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp chặt chẽ, thực thi linh hoạt hơn và phải đảm bảo kiểm soát được. Giải pháp húc đẩy tổng phương tiện thanh toán M2 lên cao và tăng dư nợ tín dụng để sản xuất phát triển, nhưng phải đảm bảo với liều lượng hợp lý để kiểm soát giá cả.

Nếu các giải pháp trên được triển khai tốt, chỉ số lạm phát cả năm nay sẽ xoay quanh mức 6-7% và GDP sẽ tăng khoảng 5,4-5,7%. Đây là mức tăng hợp lý trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Việt Nam vẫn đặt mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nếu vội nới lỏng tín dụng để đẩy GDP tăng thì không tránh khỏi hệ lụy là chỉ số giá tiêu dùng lại tăng. Vì vậy chính sách điều hành phải hết sức thận trọng để tránh không dính 'bẫy' hai tăng một giảm như thời gian qua," tiến sỹ Thức cảnh báo./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục