Trăn trở làng giấy dó

Làng giấy dó An Cốc trước nỗi lo mất nghề

Được ví như chốn tổ của nghề giấy dó, thế nhưng những năm gần đây, nghề sản xuất giấy ở làng An Cốc trở nên ảm đạm.
Được ví như chốn tổ của nghề giấy dó của cả nước, thế nhưng những năm gần đây, cùng với các loại giấy cao cấp nhập ngoại, sự xuất hiện của các sản phẩm giấy do các nhà máy giấy hiện đại đã khiến nghề sản xuất giấy truyền thống ở làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, trở nên ảm đạm, mai một.

Làng có hai vị tổ nghề

Ở An Cốc, không ai biết chính xác nghề làm giấy dó có từ khi nào. Chỉ nghe lớp thợ già truyền rằng, làng tôn thờ hai vị tổ nghề làm giấy. Một vị tổ nghề có tên là Thái Luân, truyền nghề cho dân gian từ cuối thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Vị tổ thứ hai, không rõ họ tên là người làng, sau khi đi sứ Trung Hoa học được nghề làm giấy đã đem nghề về truyền dạy cho dân làng, rồi ông lên kinh thành Thăng Long truyền dạy nghề làm giấy dó cho dân hai làng Nghĩa Đô, Yên Thái.

Và ngôi đình Thọ Vực, còn gọi là đình Bơi, thờ hai vị trên. Mỗi năm làng An Cốc giỗ tổ hai lần, lần thứ nhất vào ngày 9, ngày 10 tháng Giêng, lần hai vào ngày 9 đến 12 tháng 8 Âm lịch. Vào những ngày này, thợ làm giấy từ Yên Hòa, Yên Thái - vốn xuất thân từ An Cốc - đều nhớ ngày giỗ tổ mà về.

Quy trình làm giấy dó khá cầu kỳ và phức tạp. Loại giấy này được làm từ cây dó - một thứ cây hoang dại mọc ở rừng, ven sông Lô, sông Thao, có nhiều xơ. Cây được ngâm nước sông Nhuệ từ hai đến ba ngày rồi vớt lên, để ráo, sau ngâm với nước vôi hòa muối, rồi đem đặt trong nồi đồng nấu chín để có thể bóc lần lượt từng lớp vỏ.

Bóc đến lớp cuối cùng thì đem giã mịn như bột mới cho vào giá vò có ken nan thật dày để đãi trôi hết vỏ. Sau đó lại đem phần bột đó giã đến khi quánh, mịn như bánh dày. Khâu cuối cùng là xeo giấy, phơi giấy. Mà làm loại giấy nào sẽ phụ thuộc vào cách xeo giấy dày, mỏng, phụ thuộc vào cả “ngữ chỉnh” ở khuôn xeo.

Trong số bảy loại giấy dó truyền thống được người An Cốc sản xuất thì Hành Di và giấy sắc là nổi tiếng nhất, là niềm tự hào của người làng. Hành Di là loại giấy dó viết đẹp nhất, tốt nhất, giấy có hoa văn cổ, chuyên để tiến vua, chúa. Còn giấy sắc là loại giấy pha màu và hoa văn rồng, nhũ bạc, được cung cấp cho triều đình để dùng vào việc viết sắc phong thành hoàng làng.

Nhưng đó là chuyện của vài trăm năm về trước, còn từ gần hai thập kỷ nay, người An Cốc phiêu dạt tứ xứ. Hơn 500 hộ dân trong làng, với 2.500 khẩu, phải tìm đủ kế mưu sinh, người buôn đồng nát, kẻ chuyên tâm cày cấy, người ly hương lo hướng sinh nhai. Trong cả bốn thôn của An Cốc, chỉ còn một thôn làm được loại giấy dó.

Đau đáu nỗi lo mất nghề

"Hơn chục năm trước, cứ tầm này là cả làng An Cốc lại tấp nập mang giá vò ra sông đãi giấy”. Bà cụ 77 tuổi Nguyễn Thị Tuyết, người gắn bó với nghề làm giấy tới 64 năm, bồi hồi kể lại.

Ở hai thôn An Cốc Thượng và An Cốc Hạ, ngày trước, ngoại trừ hai vụ cấy gặt, thời gian còn lại trong năm, nhà nhà, người người đều làm giấy.

Làng An Cốc làm rất nhiều loại giấy, không chỉ có giấy dó, mà còn giấy phương cho các làng vàng mã, giấy khay để gói hàng, giấy trúc để viết, để làm quạt, làm pháo. Đặc biệt vào giữa những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước, giấy dó An Cốc còn được dùng trong việc làm giấy in cho báo Cứu Quốc, vở bình dân học vụ.

Đã có thời gian, một nhà máy giấy được hình thành ngay tại An Cốc và chủ yếu là sản xuất giấy vở học sinh, các loại giấy khác đa phần vẫn do các hộ dân làm. Thế nhưng sau gần hai mươi năm hoạt động, với nhiều lý do, nhà máy Vạn Điểm này đã phải đóng cửa. Cũng thời điểm đó, người dân An Cốc tập trung sản xuất giấy trúc, loại giấy chủ yếu phục vụ cho việc gói hàng, làm quạt, làm pháo.

"Dù làm nghề này rất vất vả song người An Cốc quyết theo nghề. Người làng còn truyền nghề cho cả con gái. Con gái lấy chồng mang nghề về bên chồng". Cụ Tuyết bảo.

Nhưng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, cùng với các loại giấy cao cấp nhập ngoại sự, xuất hiện của các sản phẩm giấy do các nhà máy giấy hiện đại như Bãi Bằng, Trúc Bạch sản xuất khiến giấy An Cốc không đủ sức cạnh tranh. Nhu cầu dùng giấy trúc để gói hàng, làm pháo ngày càng ít đi dẫn đến việc An Cốc đánh mất thị trường tiêu thụ. Nghề truyền thống trở nên ảm đạm, mai một.

Cụ Nguyễn Thị Tuyết trăn trở, mười hai năm nay, người An Cốc ly hương tứ tán khắp đất nước tìm nghề mưu sinh. Lớp con cháu trong làng ít người chịu giữ lấy nghề tổ. Hiện chỉ còn một thôn trong làng còn làm được được loại giấy dó cao cấp.

Không chỉ người dân trong làng thao thức với nghề, chính quyền địa phương cũng trăn trở trước thực trạng nghề truyền thống. Lãnh đạo xã Hồng Minh cho biết, để tìm lối thoát cho làng nghề, chúng tôi đã đi thăm quan, tìm hiểu cách làm của một số làng nghề và định đầu tư máy móc, hỗ trợ dân khôi phục nghề cha ông. Nhưng thực tế là hiện nay, dù có nhiều máy móc hiện đại phục vụ việc làm giấy nhưng để đầu tư công nghệ thì chúng tôi không thể bởi chi phí quá cao.

Còn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ khẳng định: "Chúng tôi đã cố gắng giúp người dân đầu tư công nghệ vào sản xuất giấy. Chúng tôi đã họp với xã Hồng Minh và người dân An Cốc để tìm hướng đi. Song để cạnh tranh được với công nghệ sản xuất giấy hiện đại là điều không dễ và thực tế thì nhiều người cũng không còn mặn mà với nghề".

"Ở An Cốc, những người còn đa đoan, nặng lòng với nghề thì đến ngày giỗ tổ rủ nhau tới đình tổ dâng hương, bày tỏ tấm lòng và nhớ lại cái thủa mùi hồ thơm bay khắp làng. Nhưng không ai muốn rằng người An Cốc đánh mất nghề truyền thống !”.

Nỗi lòng của ông lão gần 80 tuổi Nguyễn Ngọc Bảo, bà Nguyễn Thị Tuyết và người dân trong làng về nghề truyền thống của cha ông liệu rồi cũng dần trôi vào dĩ vãng như nhiều làng nghề mất nghề ở Hà Nội?/.
Anh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục