VN sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ IFAD

Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung và Chủ tịch IFAD Kanayo Nwanze nhất trí VN sử dụng nguồn lực, mô hình dự án IFAD hiệu quả
Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung, Trưởng đoàn Việt Nam và Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) Kanayo F. Nwanze đều nhất trí Việt Nam đã sử dụng nguồn lực và mô hình dự án của IFAD hiệu quả, tại cuộc gặp trưa 23/2 bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 35 Hội đồng Quản trị Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), diễn ra tại Roma, Italy trong 2 ngày 22-23/2.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Chí Trung thông báo với Chủ tịch Noande những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế xã hội mà Việt Nam đã đạt được, trong đó có xóa đói giảm nghèo, với sự giúp đỡ tích cực của IFAD. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao những nỗ lực và sự hỗ trợ của IFAD đối với Việt Nam trong thời gian qua. Có thể nói các dự án của IFAD không chỉ là nguồn lực về tài chính tiền tệ mà còn mang tính chất hình mẫu, hỗ trợ công nghệ cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, các dự án của IFAD tại Việt Nam không chỉ mang hiệu quả nhất định tại những nơi triển khai dự án, mà nó còn được Chính phủ Việt Nam nhân rộng mô hình tới các vùng, miền khác nhau; đặc biệt rất hiệu quả đối với các tỉnh, vùng dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ có những ý kiến gửi tới IFAD và mong muốn sớm có những phê chuẩn của Quỹ để các dự án có thể nhanh chóng được triển khai. Việt Nam mới chỉ bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, với mức bình quân GDP/đầu người là 1.000 USD.

Tuy nhiên những nước khác có thu nhập bình quân đầu người từ 1.000-12.000 USD lại có các điều kiện vay giống nhau, như vậy, điều kiện vay sẽ trở lên hết sức khó khăn đối với Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng đề xuất với IFAD cần có những điều chỉnh phù hợp với những nước mới bước vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình và tạo điều kiện thuận lợi với các khoản vay sao cho vừa phù hợp với cả quy định chung cũng như điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Việt Nam luôn coi phát triển nông nghiệp và nông thôn là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ở Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị mà còn nâng cao đời sống nông dân và đóng góp vào việc giữ gìn an ninh lương thực của thế giới. Việt Nam hiện đang tiến hành xây dựng chiến lược Nông thôn mới, rất cần các nguồn lực để thực hiện chính sách này, trong đó nguồn lực từ IFAD là rất cần thiết để chương trình đi đến thành công.

Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa IFAD và Việt Nam thời gian qua, ông Kanayo F. Nwanze cũng đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong đó có sự hỗ trợ của IFAD. Không những thế, Việt Nam còn biết sử dụng những nguồn lực và mô hình dự án mà IFAD mang lại để nhân rộng thành công chương trình xóa đói giảm nghèo. Do đó, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và trở thành kỳ vọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhiều nước. IFAD hy vọng Việt Nam sẽ chia sẻ những thành công và mô hình của mình cho các nước trong khu vực.

Ông Noande cũng mong muốn Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với IFAD trong đầu tư phát triển lâu dài nông nghiệp và nông thôn, đồng thời khẳng định Quỹ IFAD sẽ tiếp tục ủng hộ và đầu tư cho các dự án phát triển nông nghiệp tại Việt Nam. IFAD rất coi trọng chất lượng mối quan hệ giữa Việt Nam và IFAD qua các dự án và ông hy vọng ngân sách tài trợ dành cho Việt Nam sẽ gia tăng so với thời gian trước.

Về điều khoản cho vay, ông Noande cho biết mặc dù có sự thay đổi nhưng IFAD có những đặc thù riêng và không áp dụng các điều kiện khoản vay như Ngân hàng Thế giới. IFAD sẽ có những điều chỉnh phù hợp với tư cách là một tổ chức quốc tế hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn, nghèo đói.

Vừa qua, Việt Nam cùng với IFAD đã xây dựng một chiến lược hỗ trợ của IFAD cho Việt Nam giai đoạn mới 2013-2018. Đây cũng là một hoạt động của Việt Nam nhằm góp phần triển khai chiến lược hoạt động chung của IFAD tại Việt Nam cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Tham gia IFAD từ năm 1997, Việt Nam đã tích cực đóng góp các đợt huy động tăng vốn do IFAD kêu gọi. Tính đến huy động vốn đợt 7, Việt Nam đã đóng góp 1,603 triệu USD và nhận viện trợ từ tổ chức này khoảng 260 triệu USD cho các dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, cải cách thể chế./.

Ngự Bình-Phạm Thành-Minh Đức/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục