Indonesia, Nhật hợp tác quản lý sinh thái than bùn

Indonesia và JICA tổ chức Hội nghị quốc tế về quản lý carbon tại các khu rừng than bùn ở Indonesia trong 2 ngày 13-14/9 ở Jakarta.
Viện Khoa học Indonesia (LIPI) hợp tác với các đối tác bao gồm Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ Indonesia (BPPT),Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Indonesia (LAPAN), Trường Đại học Palangkaraya, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), và Trường Đại học Hokkaido tổ chức Hội nghị chuyên đề quốc tế có chủ đề “Cháy rừng tự nhiên và Quản lý carbon tại các khu rừng than bùn ở Indonesia” trong hai ngày 13-14/9 tại Jakarta.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, chuyên gia về sinh lý học thực vật, Giáo sư Mitsuru Osaki thuộc Đại học Hokkaido, Nhật Bản cho biết nước này và Indonesia đang hợp tác triển khai dự án nghiên cứu xây dựng bản đồ các khu rừng than bùn ở đất nước “Vạn đảo”, nhằm giúp các nhà khoa học ước tính chính xác hơn quy mô của các hồ chứa carbon trong các khu rừng than bùn và theo dõi thông lượng carbon hàng năm tại các khu vực này.

Theo ông Mitsuru Osaki, cũng là một chuyên gia về biến đổi khí hậu của Ủy ban liên Chính phủ Indonesia-Nhật Bản, việc phát triển hệ thống đo lường tích hợp, báo cáo và xác minh (MRV) trong khuôn khổ dự án nói trên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi và duy trì các khu rừng than bùn nhiệt đới ở Indonesia.

Dự án thiết lập bản đồ các khu rừng than bùn cũng là một phần trong dự án tổng thể “Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cho Phát triển bền vững” giữa hai nước, được JICA và Cơ quan Khoa học và Công nghẹ Nhật Bản (JST) tài trợ, thực hiện ở Central Kalimantan từ tháng 10/2008, và hiện đang trong giai đoạn cuối cùng.

Với hệ thống MRV áp dụng công nghệ và khoa học tiên tiến, các nhà khoa học có thể có được các dữ liệu khoa học chính xác hơn về các điều kiện của đất than bùn, chẳng hạn như mật độ và độ dày, những dữ liệu cần thiết để phát triển quản lý carbon hiệu quả tại các khu vực than bùn.

Chủ tịch LIPI Lukman Hakim cho biết đất than bùn ở Đông Nam Á chiếm tới 70% tổng diện tích đất than bùn ở vùng nhiệt đới, và đất than bùn nhiệt đới ở Cetral Kalimantan đã được công nhận là một trong các hồ chứa carbon quan trọng nhất trên thế giới, bởi sự đa dạng sinh học, carbon và nước của chúng là nguồn cung cấp môi trường sống quan trọng, nhưng rất tiếc đã bị đánh giá thấp một cách sai lầm, cho các loài động thực vật quý hiếm và bị đe dọa, chẳng hạn như chim, cá, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát.

Ông Lukman Hakim nhấn mạnh rằng với sự gia tăng lượng khí thải carbon dioxide, dẫn đến những biển đổi khí hậu khó lường làm gia tăng tần số và cường độ các thảm họa thiên tai, Indonesia đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ hơn để giảm nạn phá rừng trầm trọng và suy thoái đất than bùn, được coi là quan trọng trong việc thải khí carbon vào khí quyển, đồng thời hy vọng hệ thống MRV sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc quản lý hệ sinh thái than bùn của Indonesia./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục