Ai Cập muốn giữ vai trò hòa giải Sudan-Nam Sudan

Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr cho biết nước này muốn đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột giữa Sudan và Nam Sudan.
Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr ngày 15/4 cho biết nước này muốn đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột giữa Sudan và Nam Sudan.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Sudan và Nam Sudan không ngừng leo thang.

Phát biểu trong chuyến thăm Sudan sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Omar al-Bashir, ông Kamel Amr cho biết mục đích chuyến thăm này là nghiên cứu vai trò mà Ai Cập có thể đóng góp nhằm giúp giải quyết vấn đề và giải tỏa căng thẳng cũng như khởi động tiến trình đối thoại hòa bình giữa Sudan và Nam Sudan.

Tại Khartoum, ông Kamel Amr đã lắng nghe quan điểm của giới lãnh đạo Sudan, và dự kiến sẽ tới Juba để tìm hiểu quan điểm của Chính phủ Nam Sudan nhằm đưa ra các đề xuất thực tế, với hy vọng đem lại hòa bình toàn diện giữa hai nước.

[LHQ kêu gọi Sudan, Nam Sudan ngừng bắn lập tức]

Theo ông Kamel Amr, nỗ lực của Ai Cập không nằm trong khuôn khổ Liên minh châu Phi (AU) nhằm hòa giải giữa Khartoum và Juba, mà "bổ sung cho sứ mệnh này."

Chính phủ Sudan hoan nghênh mọi sáng kiến của Ai Cập nhằm hóa giải xung đột giữa Sudan và Nam Sudan.

Phát biểu với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sudan Salah Wansy cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh vai trò của Ai Cập trong việc kiến tạo hòa bình và ổn định, đồng thời tin tưởng rằng Ai Cập sẽ hành động trên cơ sở quan hệ tốt đẹp với Xuđăng cũng như cam kết ổn định của họ."

Theo Quốc vụ khanh Wansy, Sudan đã thông báo chi tiết với Ngoại trưởng Kamel Amr các diễn biến gần đây nhất cũng như các nỗ lực của Khartoum nhằm thúc đẩy quan hệ tích cực với Nam Sudan.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Sudan và Nam Sudan tiếp tục chỉ trích nhau gây xung đột tại biên giới.

Quân đội Sudan ngày 15/4 đã cáo buộc Nam Sudan chiếm giữ Heglig, thị trấn chiến lược ở bang Nam Kordofan, nơi cung cấp gần một nửa sản lượng dầu mỏ của Sudan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Sudan Al-Obeid Meruh cảnh báo: "Nếu quân đội Nam Sudan (SPLA) làm ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng tại Heglig thì đồng nghĩa với việc họ đang đẩy xung đột lên một mức mới."

Trong khi đó, quân đội Nam Sudan (SPLA) cáo buộc Khartoum đang âm mưu mở mặt trận thứ hai ở Upper Nile, bang phía Bắc lãnh thổ Nam Sudan.

Từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7/2011 đến nay, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về phân định biên giới, đặc biệt tại những khu vực nhiều tài nguyên dầu mỏ. Tại các bang ở biên giới như Kordofan, Blue Nile, Unity... thường xảy ra giao tranh giữa quân đội Sudan với các nhóm được Nam Sudan hậu thuẫn.

Hiện, sản lượng khai thác dầu thô tại các khu vực do chính quyền Nam Sudan quản lý lớn gấp 3 lần sản lượng của Sudan, song Nam Sudan phải sử dụng các đường ống dẫn dầu và các cơ sở phụ trợ nằm trên lãnh thổ Sudan để xuất khẩu dầu và hai nước vẫn chưa thỏa thuận số tiền Nam Sudan phải thanh toán./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục