Còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Lưu trữ

Quy định Phông lưu trữ Quốc gia là một trong những điểm của dự án Luật Lưu trữ còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.
Sáng 19/11, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lưu trữ, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành sau 9 năm thực hiện.

Các đại biểu cũng tán thành dự án Luật điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Các đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái), Vũ Hồng Anh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang)… cho rằng việc ban hành Luật sẽ giải quyết những bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những ý kiến thống nhất về quản lý tài liệu của cá nhân, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, chỉnh lý xác định giá trị tài liệu, thu thập tài liệu vào lưu trữ lịch sử, quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ... cũng còn nhiều điều đại biểu băn khoăn và có ý kiến khác nhau.

Các đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái), Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp), Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định) cho rằng nên có kế hoạch thống nhất Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên chung là Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Như vậy, vừa tập trung thống nhất bộ máy quản lý, tránh phân tán, vừa tận dụng được đội ngũ cán bộ công chức vào thu thập và bảo quản các tư liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác khai thác tư liệu thuận lợi, đồng thời, để thống nhất quản lý nhà nước về lưu trữ, cần có các quy định thống nhất về nghiệp vụ lưu trữ, bao gồm các quy định về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ giữa các phông lưu trữ hoặc thống nhất được các nguyên tắc cơ bản trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ.

Không tán thành với quan điểm trên, các đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng từ khi hình thành, Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam đã tách riêng và hoạt động tốt. Việc ghép buộc cơ học hai Phông lưu trữ này vào Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là không hợp lý, cần giữ ổn định các cơ quan lưu trữ như hiện nay.

Phân tích vấn đề này, đại biểu Vũ Hồng Anh cho rằng các khoản 7 và khoản 8 điều 3 quy định về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam cho thấy đây là toàn bộ tài liệu gắn với quá trình lịch sử hình thành, hoạt động của cơ quan, tổ chức, tập hợp lại thành Phông lưu trữ song khoản 6 điều 3 lại quy định “Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam” là toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam.

Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Như vậy, các khái niệm không thống nhất với nhau.

Nếu quy định Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với tài liệu lưu trữ của Đảng, Phông lưu trữ Nhà nước gắn với tài liệu lưu trữ của Nhà nước, Phông lưu trữ quốc gia lại không gắn với cá nhân tổ chức cụ thể nào, không thể có tài liệu lưu trữ của quốc gia Việt Nam.

Đồng quan điểm này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị làm rõ khái niệm quốc gia và nhà nước, từ đó mới giải quyết được bài toán Pháp lệnh lưu trữ quốc gia đã có nhưng không thống nhất được lưu trữ của Đảng và Nhà nước. Nếu xác định tồn tại riêng hai hệ thống này, cần phải quy định tài liệu lưu trữ của các ngành kiểm sát, tòa án, tổ chức chính trị xã hội ra sao?

Về lưu trữ lịch sử, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật, chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử tại Trung ương và cấp tỉnh để phù hợp với thực tế quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính; có điều kiện tập trung nguồn lực, con người cũng như cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc, bảo quản, bảo đảm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về thực trạng tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện kể cả Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam cũng như Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam để có hướng xử lý đối với lưu trữ lịch sử cấp huyện ở những nơi đã được thành lập.

“Thực tế thời gian qua, nước ta vẫn thực hiện lưu trữ cấp huyện, nhưng dự thảo Luật lần này lại không quy định tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện thì chuyển lưu trữ lên cấp tỉnh như thế nào” - đại biểu Triệu Thị Bình đề cập.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng đề nghị cần xem xét kỹ việc không tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện, đánh giá đúng ưu điểm và hạn chế của mô hình này trong thời gian qua để có hướng tốt hơn.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn những lĩnh vực hoạt động dịch vụ lưu trữ nào được xã hội hóa, nhất là điều kiện để tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động dịch vụ lưu trữ để bảo đảm cho tài liệu lưu trữ được bảo quản, bảo vệ an toàn, tránh thất thoát đồng thời, phải có lộ trình phù hợp cho việc xã hội hóa hoạt động lưu trữ, bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và yêu cầu, khả năng quản lý của Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu,  cho biết sẽ xem xét, nghiêm túc tiếp thu để phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉnh sửa dự án Luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục