Giao lưu “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển"

Đêm giao lưu với sự tham gia của 4 cựu chiến binh kỷ niệm 50 năm ngày 5 con thuyền đầu tiên ra Bắc nhận vũ khí vào miền Nam đánh giặc.
Tối 28/5, Hội Cựu chiến binh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm giao lưu “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển - Những con tàu đầu tiên ra Bắc.”

Đêm giao lưu có sự tham gia của 4 cựu chiến binh là các ông Đặng Bá Tân, sinh năm 1931, quê tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1941, quê ở Bến Tre, Ngô Văn Tân, sinh năm 1940, ở Cà Mau, Nguyễn Sơn, sinh năm 1940, ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đây là chương trình kỷ niệm 50 năm ngày 5 con thuyền đầu tiên ra Bắc nhận vũ khí vào miền Nam đánh giặc (1/6/1961-1/6/2011), qua đó tri ân công lao của các cựu chiến binh trên 5 con thuyền gỗ đầu tiên của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu vượt biển ra Bắc nhận vũ khí vào Nam đánh đế quốc Mỹ; góp phần vào chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước.

Tại buổi giao lưu, các cựu chiến binh đã hồi niệm lại những lần vượt biển nguy hiểm, thiếu thốn nhưng đầy vinh quang. Sau chiến thắng Đồng Khởi (Bến Tre), cách mạng miền Nam chuyển sang cục diện mới, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Nhu cầu vũ khí hết sức cấp bách, trong khi việc vận chuyển vũ khí theo đường mòn Trường Sơn chưa thể vươn đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ tổ chức thuyền vượt biển ra Bắc vừa để thăm dò, vừa để kiểm tra, khảo sát luồng lạch, bến bãi chuẩn bị cho một kế hoạch lâu dài vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam.

Chiều tối 1/6/1961, tại bãi biển Thạnh Phú, một con thuyền gỗ cùng 6 cán bộ chiến sỹ lặng lẽ vượt biển ra Bắc; tiếp theo là thuyền của Cà Mau, Trà vinh, Bến Tre và Bà Rịa-Vũng tàu.

Tính từ tháng 6/1961 đến tháng 2/1962 đã có 5 chuyến thuyền với 34 cán bộ chiến sỹ vượt biển ra Bắc thành công. Họ cải trang thành những chiếc thuyền ngư dân đánh cá, phương tiện đi biển là chiếc la bàn, thiếu thốn thức ăn nước uống và thường xuyên bị địch săn lùng. Đó là chưa kể đến những nguy hiểm khác từ đá ngầm, rạch sâu, nước xoáy… Nhiều lúc họ phải nhìn sao Bắc đẩu để định vị phương hướng, phải uống nước tiểu để chống khát.

Họ là thuyền trưởng, trực tiếp chèo lái con thuyền thô sơ, thiếu thốn phương tiện, vật dụng, vượt biển ra Bắc, báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam; thăm dò, mở đường, nhận vũ khí từ Bắc vào Nam. Họ đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam.

Thành công của họ đã củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị thành lập con tàu không số “Phương Đông” rồi đi đến quyết định mở đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục