Thống đốc NHNN: Nợ xấu chưa đến mức “nguy kịch”

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định “tình trạng nợ xấu của VN hiện nay tuy ở mức cao, đáng báo động nhưng chưa đến mức nguy kịch.”
Trong phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định “tình trạng nợ xấu của Việt Nam hiện nay tuy ở mức cao, đáng báo động nhưng chưa đến mức hốt hoảng và nguy kịch.”

Thống đốc cũng khẳng định, mặc dù có nhiều số liệu về nợ xấu khác nhau, nhưng con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố là con số đáng tin cậy nhất. Theo đó, tính đến 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Lý giải về việc khác nhau giữa số liệu nợ xấu, Thống đốc cho biết số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước cao hơn so với báo cáo của các tổ chức tín dụng là do: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hiện hành trong khi một số tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.

Các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng do năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng không đồng đều, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ có thể dẫn đến sự khác nhau về nhóm nợ khi xác định và ghi nhận nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho rằng một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập đã để nợ xấu tăng cao như vừa qua. Nhiều tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập. Bên cạnh đó, năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cả ngắn và dài hạn để khắc phục nợ xấu bao gồm cả các chính sách kinh tế vĩ mô, giải pháp liên quan đến ngân hàng, giải pháp đối với các tổ chức tín dụng và việc thanh tra giám sát…

Bên cạnh vấn đề nợ xấu, Thống đốc cũng trả lời chất vấn của Đại biểu Ngô Văn Minh (Đà Nẵng) về vấn đề liên quan đến các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn. Thống đốc cho biết, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, rà soát đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trong việc trả nợ vốn vay.

“Việc yêu cầu các ngân hàng thương mại phải điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống còn cao nhất 15%/năm chỉ là kêu gọi, vận động của Ngân hàng Nhà nước chứ ko phải mệnh lệnh hành chính nên Ngân hàng Nhà nước ko thể buộc các tổ chức tín dụng được.

Tuy nhiên, lời hiệu triệu này cũng đã đạt hiệu quả cao”, thống đốc nhấn mạnh. Nhờ vậy, tính đến 2/8, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15% trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 65% (trước ngày 15/7) xuống còn 29,1%.

Về vấn đề xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cũng được các đại biểu Quốc hội chất vấn. Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã xác định được 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần cơ cấu lại.

Đến nay, ba ngân hàng đã được hợp nhất là Ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa; Ngân hàng Tiên Phong đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng tự củng cố chấn chỉnh; Ngân hàng Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào Ngân hàng Sài gòn-Hà Nội; Ngân hàng Dầu khí đang được trình Chính phủ về tái cơ cấu; 3 ngân hàng yếu kém còn lại đang được Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thông qua các biện pháp nghiệp vụ./.

Huy Huyền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục