Trung Quốc dẫn đầu về đăng ký bằng sáng chế

Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế đăng ký trong năm 2011, vượt cả hai nước Mỹ và Nhật Bản.
Một nghiên cứu mới của Thomson Reuters cho thấy Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế đăng ký trong năm 2011, vượt cả Mỹ và Nhật Bản.

Mục tiêu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chuyển từ việc các sản phẩm "được sản xuất tại Trung Quốc" sang "được thiết kế ở Trung Quốc," với những nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới trong trong các lĩnh vực như ôtô, dược phẩm và công nghệ.

Số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế ở Trung Quốc dự kiến sẽ lên đến gần 500.000 vào năm 2015, tiếp theo là Mỹ với gần 400.000 và Nhật Bản gần 300.000.

Số lượng đơn đăng ký mà văn phòng cấp bằng sáng chế Trung Quốc công bố tăng trung bình 16,7% hàng năm, từ 171.000 năm 2006 lên đến gần 314.000 năm 2010, vượt Hàn Quốc và châu Âu nhưng vẫn xếp sau Nhật Bản và Mỹ.

Tổng số các bằng sáng chế nộp tại Trung Quốc đã tăng gần 73% trong năm 2010, so với 52% trong năm 2006. Điều này cho thấy sự bùng nổ bằng sáng chế trong các công ty Trung Quốc đã vượt xa các công ty nước ngoài.

Theo số liệu từ Văn phòng sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các công ty Trung Quốc cũng vượt lên trên bảng xếp hạng.

Trong năm 2010, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc đứng thứ hai trong danh sách nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, sau Panasonic của Nhật Bản.

Tập đoàn viễn thông toàn cầu Qualcomm Inc đứng thứ ba, công ty Huawei Technologies sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nói rằng Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa trước khi có thể dẫn đầu thế giới trong sự đổi mới bởi chất lượng các bằng sáng chế cần được cải thiện.

Ông Elliot Papageorgiou, Giám đốc điều hành tại công ty luật Rouse Legal (Trung Quốc) cho rằng với chủ trương của chính phủ trong việc khuyến khích các công ty nộp đơn đăng ký bằng sáng chế, số lượng bằng sáng chế sẽ tăng, song chất lượng có thể bị hạn chế./.

Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục