Giá hàng hóa giảm tác động tích cực kinh tế thế giới?

Giá vé máy bay thấp hơn, giá thực phẩm rẻ đi và tỷ suất lợi nhuận tăng lên là ba trong số những lợi ích mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên thế giới được hưởng từ việc giá dầu mỏ và hàng hóa sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định phải một thời gian nữa những lợi ích này mới đến được tay người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Giá vé máy bay thấp hơn, giá thực phẩm rẻ đi và tỷ suất lợi nhuận tăng lên là ba trong số những lợi ích mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên thế giới được hưởng từ việc giá dầu mỏ và hàng hóa sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định phải một thời gian nữa những lợi ích này mới đến được tay người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Giá hàng hóa giảm có tác động tích cực ngay tới kinh tế toàn cầu?

Sau khi đã rót 400 tỷ USD vào hàng hóa trong thập niên qua, nhiều nhà đầu tư giờ đây lại bán ra do lòng tin của họ sa sút khi kinh tế toàn cầu không có phản ứng tích cực trước các gói kích thích kinh tế.

Ngay cả Trung Quốc, một khách mua tài nguyên tích cực, cũng đang tăng trưởng chậm lại, trong khi lạm phát đang giảm tại gần như hầu hết các nước trên thế giới. Sức ép giá cả sẽ còn lắng xuống nữa nếu giá hàng hóa tiếp tục đi xuống.

Đây là tin buồn cho các nước xuất khẩu như Arập Xêút và Brazil, nhưng lại là thông tin đáng mừng đối với các nước nhập khẩu ròng.

Nhà kinh tế Han de Jong thuộc ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) nhận định, giá hàng hóa yếu đi sẽ tác động tích cực lên kinh tế toàn cầu, do sức ép lạm phát giảm sẽ hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng.

Tính từ đầu năm tới đây, chỉ số hàng hóa Goldman Sachs Commodity Index của Standard & Poor's đã giảm 6,6%. Tuy nhiên, nguyên liệu thô mới chiếm một phần nhỏ trong chi phí của hầu hết các công ty, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi một số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoạt động trên các thị trường vô cùng cạnh tranh, vẫn thờ ơ trước việc giá hàng hóa sụt giảm.

Chuyên gia Cui Liyan thuộc hãng chế tạo ô tô Great Wall Motor Co Ltd của Trung Quốc tâm sự: “Có hàng ngàn bộ phận trong một chiếc ô tô, vì thế tác động của nó (chi phí nguyên liệu thô giảm) có thể không lớn”.

Trong khi đó, đối với nền kinh tế Mỹ hiện đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại, chi phí năng lượng thấp hơn lại là nhân tố tích cực. Tuy nhiên, theo Michael Ward, Giám đốc điều hành tập đoàn đường sắt lớn thứ hai nước này CSX Corp, tác động của việc chi phí năng lượng giảm lại có sự khác biệt, do tập đoàn này vẫn đang áp dụng chương trình phụ thu nhiên liệu, tức là mọi sự tăng hay giảm nhiên liệu đều được chuyển sang hành khách.

Một quan chức của hãng thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc CJ CheilJedang Corp cho hay thường phải mất 4-6 tháng trước khi sự sụt giảm của giá nông sản kỳ hạn tác động đến giá cả các sản phẩm của hãng.

Kẻ “vui” người “buồn”

Giới phân tích cho rằng tác động của xu hướng giá hàng hóa giảm có thể nhận thấy được phần nào qua hình ảnh thu nhỏ của Ấn Độ - nước có “hóa đơn” nhập khẩu khá lớn - và Australia - quốc gia có nguồn thu rất lớn từ xuất khẩu khoáng sản và nông sản.

Ấn Độ hy vọng sự đi xuống của thị trường hàng hóa không chỉ làm giảm lạm phát mà cả thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai - nỗi lo lớn nhất hiện nay của Chính phủ nước này.

Nhập khẩu dầu thô và vàng thường chiếm gần 45% tổng hóa đơn nhập khẩu của Ấn Độ và nước này đã phải chi 169 tỷ USD để nhập khẩu dầu trong tài khóa kết thúc tháng Ba vừa qua.

Đây có lẽ là nhân tố lớn đứng đằng sau việc thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có thể lên tới mức “không thể kham được” khoảng 5% GDP.

Cũng một phần do Ấn Độ trợ giá nhiêu liệu và phân bón khá nhiều cho người tiêu dùng, nên thâm hụt ngân sách của Chính phủ trong tài khóa mới có thể xuống dưới mức mục tiêu 4,8% GDP một khi giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm. Đặc biệt, sự đi xuống của giá dầu thô có thể làm giảm tới một nửa hóa đơn trợ giá dầu mỏ của nước này.

Trong khi đó, Australia dường như lại là người thua thiệt khi “siêu chu kỳ” hàng hóa kết thúc. Xứ sở chuột túi đã được hưởng hơn 20 năm tăng trưởng liền mạch, chủ yếu nhờ xuất khẩu khoáng sản và năng lượng sang châu Á tăng bùng nổ.

Trước tình hình giá hàng hóa giảm và đồng đôla Australia tăng mạnh, Bộ trưởng tài chính nước này Wayne Swan đã hạ dự báo doanh thu từ thuế, đặc biệt là thuế từ lợi nhuận của các công ty và thuế đánh vào các khoản lợi nhuận mới của các mỏ quặng sắt và mỏ đồng.

Kết quả là Chính phủ Australia phải từ bỏ cam kết đạt thặng dư ngân sách trong tài khóa kết thúc tháng 6/2013. Tuy nhiên, Bộ trưởng Swan vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trên toàn châu Á.

Cảnh giác với giá dầu mỏ và tỷ giá hối đoái

Sự “đỏng đảnh” của giá vàng, trong đó phải kể tới việc kim loại quý này trong một ngày để mất tới 10% (lần giảm mạnh nhất trong 30 năm qua), khiến nhiều người không thể không chú ý, nhưng sự sụt giảm của giá dầu lại mang ý nghĩa kinh tế lớn hơn.

Giá dầu thô Brent Biển Bắc hiện giảm khoảng 16% so với mức cao 119,17 USD hôm 8/2. Các nhà kinh tế thuộc JP Morgan ước tính việc giá dầu giảm 15% (do nguồn cung tăng lên) cũng đủ để giúp sản lượng kinh tế toàn cầu năm 2013 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nếu sự đi xuống của giá cả phản ánh triển vọng kinh tế u tối hơn, mức giảm 15% của giá dầu nói trên sẽ tương ứng với nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm đi 0,5% trong năm nay.

Một quan chức của công ty cơ khí Larsen & Toubro (Ấn Độ) nhận định sự sụt giảm của giá hàng hóa trên diện rộng phản ánh cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn sẽ hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận tăng lên, nhưng nếu tiếp diễn, chiều hướng này sẽ làm tăng khả năng lãi suất đi xuống.

Tuy nhiên, giá hàng hóa giảm lại vì lý do khác. Đó là chu kỳ đầu tư chậm lại còn nhu cầu hàng hóa giảm sút. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ là điều không tốt cho nhiều công ty.

Trong khi đó, công ty sản xuất bảng mạch KCE Electronics Pcl (Thái Lan) có lẽ đã rất vui mừng trước việc giá kim loại đồng giảm 12% kể từ đầu năm tới nay, do công ty này thường sử dụng rất nhiều đồng trong hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, việc đồng baht Thái Lan mạnh lên so với đồng USD lại ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu của KCE. Chi nhánh tại Ấn Độ của tập đoàn chuyên sản xuất các bộ phận ô tô cũng trong tình cảnh tương tự.

Giá thép và cao su giảm tương đối mạnh trong tuần này, nhưng đồng rupee yếu và lạm phát cao đang làm cho những lợi ích này bỗng chốc “bốc hơi”.

Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Nhật Bản Japan Airlines Co Ltd (JAL) cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn trước tình hình đồng yên yếu đi. Tuy nhiên, JAL vẫn công bố việc giảm 7,6% phí phụ thu nhiên liệu đối với hàng hóa vận chuyển trên các tuyến bay quốc tế, xuống còn 122 yên/kg từ ngày 1/5 tới.

Các nước rảnh tay thực hiện các chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm

Chi phí thực phẩm giảm đặc biệt có lợi cho những nước có tỷ lệ lạm phát vẫn cao một cách dai dẳng. Lấy ví dụ Indonesia, nơi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm qua là 5,9% trong tháng 3/2013, mức tăng giá tiêu dùng hàng tháng có thể sẽ giảm bớt 0,1% trong tháng 4/2013 nhờ nhiều mặt hàng từ gạo đến thịt đều tăng lên.

Tình hình lạm phát dịu đi trên toàn cầu hiện nay đã bỏ ngỏ cánh cửa cho các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tung ra thêm biện pháp tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

James Bullard, Chủ tịch chi nhánh của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại St. Louis, cho hay ông mong muốn FED tăng tốc độ mua trái phiếu nếu lạm phát tiếp tục đi xuống. Trong 12 tháng tính tới tháng 3/2013, giá tiêu dùng tại Mỹ chỉ tăng 1,5%.

Giá hàng hóa giảm cùng với mức tăng lương chậm lại cũng tạo nhiều khoảng trống để Ngân hàng trung ương Anh nối lại hoạt động mua trái phiếu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Mức tăng lương cơ bản tại Anh hiện ở mức thấp kỷ lục.

Ngay cả ngân hàng vẫn luôn dè dặt trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ngỏ ý sẵn sàng mạnh tay hơn.

Nhiều nhà kinh tế dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng tới, trước khả năng lạm phát chỉ ở mức 1,3% trong năm 2014, thấp hơn mục tiêu là xấp xỉ 2%.

Trong khi đó, giá hàng hóa giảm trên toàn cầu rõ ràng là tin rất tốt đối với Trung Quốc, bởi sức ép lạm phát từ nhập khẩu giảm sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh mở rộng tín dụng và nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế nước nhà./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục