Phát hiện nhiều cổ vật giá trị ở tháp cổ Vĩnh Hưng

Trong lần khai quật lần cuối cùng đối với tháp cổ Vĩnh Hưng tại tỉnh Bạc Liêu, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật giá trị.
Sau gần một tháng, đến ngày hôm nay (17/10), việc khai quật tháp cổ Vĩnh Hưng, Bạc Liêu do Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ đảm nhiệm phần chuyên môn dưới sự giám sát của Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã kết thúc.

Thông tin này được phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số cổ vật có giá trị gồm sàn gạch làm bằng gạch vỡ lèn chặt tạo thành một mặt phẳng nằm phía trước tháp rộng khoảng 25m2; trụ gạch-chân tảng; hai di vật bằng đá và một di vật bằng đồng độc bản.

Ông Phạm Văn Tắc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu cho biết, tháp cổ Vĩnh Hưng được một nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện vào năm 1911 cùng với một số hiện vật dùng để thờ cúng.

Vào năm 1992, trong lần khai quật đầu tiên, một số cổ vật liên quan đến đời sống Phật giáo và những di vật có liên quan đến di tích văn hóa Óc Eo đã được phát hiện.

Sau nhiều năm thăm dò, giữa tháng Chín năm nay, tỉnh Bạc Liêu quyết định khai quật lần thứ ba và cũng là lần khai quật cuối cùng đối với tháp cổ Vĩnh Hưng.

Tới đây, Bảo tàng Bạc Liêu sẽ tiến hành Hội thảo khoa học và phục chế bảo quản một số cổ vật được tìm thấy ở tháp cổ này./.

Huỳnh Sử (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục