Thuế bảo vệ môi trường không vì thu ngân sách

Ban hành thuế bảo vệ môi trường nhằm hướng tới việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đặt quá cao mục tiêu thu ngân sách.
Sáng 23/7, tiếp tục phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Quốc hội (khóa XII) thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan của Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tiếp thu một bước ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, trong đó tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể, như: Về phương pháp tính thuế, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định trong dự thảo luật là xác định mức thuế tuyệt đối nhằm tạo sự đơn giản, minh bạch trong tổ chức thực hiện. Bởi lẽ, mục tiêu ban hành thuế bảo vệ môi trường nhằm hướng tới điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đặt quá cao mục tiêu thu ngân sách.

Mặt khác, nếu xét về tính chất, thuế bảo vệ môi trường khác với nhiều sắc thuế khác ở điểm thuế bảo vệ môi trường đánh vào mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm chứ không đánh trên giá trị sản phẩm. Vì vậy mức thuế phải nộp không phụ thuộc nhiều vào việc tăng hay giảm giá bán các loại hàng hóa.

Thứ hai, mức thuế được xác định theo khung, do đó, trong trường hợp cần thiết vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ ba, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối sẽ tạo sự thuận tiện, đơn giản, minh bạch trong tổ chức thực hiện. Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế trong thu thuế bảo vệ môi trường (Anh, Pháp, Mỹ...).

Về phân chia nguồn thu (Điều 12), các thành viên ủy ban đều nhất trí rằng việc phân chia nguồn thu, trong đó có tỷ lệ phân chia, thẩm quyền quyết định việc phân chia, mục tiêu sử dụng nguồn thu... thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân sách Nhà nước, dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong năm tới.

Vì vậy, đề bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các thành viên đề nghị bỏ quy định này trong Luật bảo vệ môi trường, đồng thời bổ sung vào Luật Ngân sách Nhà nước.

Về đối tượng chịu thuế, các thành viên ủy ban cho rằng không chỉ có 5 nhóm hàng hóa quy định tại Điều 3 của Dự thảo Luật là tác động xấu đến môi trường. Do vậy, đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế theo hướng mọi sản phẩm độc hại, tác động trực tiếp đến môi trường đều thuộc đối tượng chịu thuế.

Các thành viên ủy ban cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các đối tượng chịu thuế như thuốc diệt cỏ, chất tẩy rửa, hóa chất trong công nghiệp... để bổ sung vào các nhóm đối tượng nhằm bảo đảm tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp...

Các thành viên ủy ban cũng cho rằng có sự khác nhau về tính chất giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường, vì vậy không thể lấy việc thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho việc nộp phí và ngược lại.

Các thành viên ủy ban cũng dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về tên gọi của luật, việc hoàn thuế, bản chất của thuế bảo vệ môi trường./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục