Sớm có hành lang pháp lý phát triển kinh tế xanh

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Diễn đàn "Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra ngày 13/12, tại Hà Nội.

Đến dự và phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định kinh tế xanh liên quan chặt chẽ với tăng trưởng bền vững. Kinh tế xanh là mô hình mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao tỷ lệ tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Kinh tế xanh là chiến lược cần thiết, tạo việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Do vậy, cần nghiên cứu, sớm hình thành môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng xanh hơn - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bà Setsuko Yamazak, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ cho phép Việt Nam huy động nguồn lực tài chính công cộng và tư nhân cũng như đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong khuôn khổ thỏa thuận quốc tế và biến đổi khí hậu.

Bà Setsuko Yamazak khẳng định UNDP tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch từ cấu trúc kinh tế, bảo vệ môi trường và khôi phục lại vốn tự nhiên. Đây là cách duy nhất để đạt được một tương lai bền vững cho tất cả công dân Việt Nam.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã khẳng định sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; giới thiệu quan điểm và thực tiễn phát triển kinh tế xanh trên thế giới; đồng thời nêu lên những khó khăn và các giải pháp về chính sách để Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững.

Theo các đại biểu, tăng cường hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm nước và không khí. Tăng trưởng xanh cũng cho phép bảo vệ rừng và tăng năng suất nông nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, như các công nghệ sáng tạo và nghiên cứu phát triển, rất cần thiết cho thời gian dài duy trì tăng trưởng.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế xanh để đưa ra những định hướng, chính sách phù hợp về phát triển kinh tế xanh nhằm đảm bảo phát triển bền vững./.

Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục