Chứng khoán châu Á xuống mức thấp trong 2 tháng

Trong phiên giao dịch ngày 29/1, các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, do các dự báo ảm đạm về lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 29/1, các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, do các dự báo ảm đạm về lợi nhuận của các doanh nghiệp và sự lo ngại gia tăng về tình trạng nợ nần của một số nước châu Âu, khiến hy vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu bị lung lay.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2%, xuống mức thấp trong 2 tháng, với chỉ số chứng khoán nguyên liệu giảm 3,4% và chỉ số chứng khoán công nghệ giảm 1,8%.

Lượng giao dịch giảm ở hầu hết các thị trường trong khu vực, sau khi tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm trước, dẫn tới xu hướng bán ra chốt lời.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 40 điểm, hay 2,4%, xuống 1.602,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 4,85 điểm, hay 0,16%, xuống 2.989,29 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 234,38 điểm, hay 1,15%, xuống 20.121,99 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 216,25 điểm, hay 2,08%, xuống 10.198,04 điểm.

Triển vọng không sáng sủa của các công ty công nghệ lớn của Mỹ là Qualcomm Inc. và Motorola Inc. đã dẫn tới những nhận định không mấy lạc quan về nhu cầu toàn cầu và lợi nhuận của các công ty.

Các nhà đầu tư cũng bị tác động từ các mức nợ đang tăng lên của các nước châu Âu như Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Moody's cảnh báo xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha có thể bị đánh tụt, trừ phi thâm hụt ngân sách của nước này giảm.

Đợt thu hồi hàng triệu xe hơi của hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới Toyota do sự cố kỹ thuật sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của hãng, trong khi giá hàng hoá giảm tác động đến các công ty khai mỏ như BHP Billiton Ltd. Samsung Electronics, nhà sản xuất chíp nhớ và màn hình tinh thể lỏng hàng đầu thế giới không thể phá vỡ bầu không khí u ám, mặc dù lợi nhuận của hãng cao hơn dự đoán trong lúc chứng khoán châu Á tháng 1/2010 có mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009.

Các nhà đầu tư cũng do dự khi tham gia giao dịch trước dự đoán sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể đang mất dần động lực, trong khi Chính phủ Trung Quốc có những biện pháp kiềm chế đà tăng trưởng nóng của nền kinh tế và các quan chức Mỹ tranh cãi về những điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi ở châu Á của Barclays Capital, Peter Redward, trong điều kiện hiện nay, nhu cầu đối với các tài sản rủi ro như chứng khoán đã giảm đáng kể.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đang dẫn đầu toàn cầu được dự đoán sẽ tăng cao hơn cũng đứng trước đợt giảm giá mạnh nhất trong năm. Chứng khoán Mỹ tuần qua cũng có mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng 6/2009./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục