Chỉ bị xử lý hành chính dù để lọt vụ ba cây gỗ sưa

Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng nhưng Phó Giám đốc VQG Phong Nha-Kẻ Bàng  Nguyễn Văn Huyên vừa bất ngờ được miễn truy tố.
Dù bị cáo buộc để xảy ra sai phạm nghiêm trọng nhưng Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) Nguyễn Văn Huyên vừa bất ngờ được miễn truy tố hình sự trong vụ án 3 cây sưa (cây huê) cổ thụ trị giá hàng trăm tỷ đồng bị đốn hạ ở ngay trong Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tháng 4/2012.

Theo sự thống nhất của cơ quan tố tụng là Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, ông Huyên sẽ chỉ bị xử lý hành chính thay vì bị xử lý hình sự.

[Quảng Bình thu giữ 300kg gỗ sưa khai thác trái phép]

Diễn biến "vụ án gỗ sưa" gây chấn động dư luận ở tỉnh Quảng Bình bắt đầu bằng việc ngày 18/4/2012, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát hiện có người dân vào lâm phần của vườn để khai thác gỗ sưa.

Từ phát hiện này, ngày 22/4/2012 lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp xử lý tình hình trên.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng của tỉnh xây dựng phương án để truy quét, đẩy đuổi người dân khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật ra khỏi lâm phần Vườn Phong Nha-Kẻ Bàng.

Ngay sau đó, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách này đã thực hiện ngay phương án truy quét để ổn định tình hình với việc giao cho ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng làm chỉ huy chung và ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo kiểm tra hiện trường…

Ngày 23/4/2012, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thành lập đoàn kiểm tra hiện trường vụ khai thác gỗ sưa trái phép với 80 người tham gia; trong đó có rất nhiều cán bộ có chức vụ, do ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Vườn làm đoàn trưởng...

Theo những thông tin mà phóng viên có được, sau khi vào đến khu vực Hung Trí, thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Huyên dẫn đầu đã phát hiện được hiện trường vụ đốn hạ 3 cây gỗ sưa cổ thụ.

Không những vậy, cũng tại đây đoàn kiểm tra còn phát hiện được một cái hố có chứa đầy gỗ sưa.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Huyên, các cán bộ kiểm lâm Lê Mạnh Hà và Lưu Minh Thắng đã đưa lên khỏi miệng hố khoảng 7 hộp gỗ sưa và cho biết dưới đó còn rất nhiều gỗ nữa.

Sau khi tiến hành hội ý nhanh tìm phương án giải quyết, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chủ yếu tập trung cho việc bảo vệ hoặc tìm cách đưa gỗ về. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi ông Nguyễn Văn Huyên chỉ đạo thả gỗ trở lại hố và đột ngột ra quyết định rút quân về mà không cần hỏi xin ý kiến một ai.

Nói về vấn đề này, một cán bộ kiểm lâm trong đoàn kiểm tra hôm đó xin được giấu tên cho biết việc ra quyết định như vậy là hết sức bất thường, bởi ông Huyên biết nếu không cho quân giữ số gỗ đó hoặc đưa gỗ về thì chắc chắn "lâm tặc" sẽ cướp mất gỗ.

Trước đó, trong cuộc hội ý, cán bộ kiểm lâm trên có đề xuất một mặt cho quân chốt chặt hiện trường để giữ gỗ, mặt khác cử một tổ cán bộ khoảng 10 người trở lại khu vực Dốc Cây Mận (nơi này có sóng điện thoại và chỉ cách Hung Trí khoảng nửa ngày đường-PV) để điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nhưng ông Huyên mắng thẳng vào mặt cán bộ kiểm lâm này rằng đề xuất như vậy là không thực tế nên không thể tiếp thu.

Quyết định bỏ gỗ sưa lại như ở trên rồi rút quân là bất bình thường và việc báo cáo kết quả cuộc truy quét của ông Huyên lại càng cho thấy nhiều điều bất bình thường hơn.

Trong bản báo cáo về kết quả thực hiện phương án truy quét, kiểm tra, đẩy đuổi người dân khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trong lâm phần Vườn gửi lên cho ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để ông này làm cơ sở chỉ đạo và báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình không có bất kỳ một dòng nào nói về số gỗ được phát hiện và sau đó bị bỏ lại để cho "lâm tặc" cướp mất.

Không những vậy, trong báo cáo còn một mực khẳng định rằng “ tất cả sản phẩm gỗ của các cây huê (cây sưa-PV) nói trên đã bị tẩu tán nên tổ Kiểm tra không có căn cứ để xác định khối lượng” dù rằng chỉ khoảng chưa đến 4 ngày trước đó chính ông Huyên vừa chỉ đạo rút quân khi đã tay sờ, mắt đã thấy gỗ sưa đầy trong hố ở khu vực hiện trường Hung Trí như đã nêu ở trên.

Cụ thể, trong báo cáo về hiện trường do ông Huyên thực hiện chỉ có nội dung chung chung như sau: "Tại đây (nơi ba cây gỗ sưa bị đốn hạ-PV), tổ kiểm tra phát hiện tổng diện tích thiệt hại do các đối tượng khai thác là 563m2, phát hiện 3 hố đào bới sâu, ở giữa lòng rét cạn có một bãi bằng với diện tích 80m2 có nhiều bai, vai, vỏ, giác, mạt cưa, lá chủ yếu của cây gỗ sưa, có độ dày 0,4m.

Tang vật thu được tại hiện trường gồm: 01 cân bàn loại 100kg, 01 tấm bạt loại 6x10m, 02 xích cưa loại 1,2m (đã hỏng), 1 cái cuốc cúp, 2 can nước, 1 nắp xoong, 2 bao đựng nước (loại to), 1 dao, Bai-vai-giác sưa. Tại hiện trường để lại 3 hố, qua kiểm tra xác định đây là các hố đào gốc của cây sưa. Trong đó hố 1 là gốc của cây sưa khô mục, 2 hố còn lại là gốc của cây sưa còn sống  (tất cả sản phẩm gỗ của các cây sưa nói trên đã bị tẩu tán nên Tổ Kiểm tra không có căn cứ để xác định khối lượng)."

Ngay cả khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can liên quan đến vụ 3 cây gỗ sưa cổ thụ bị lâm tặc triệt hạ, thì ông Huyên vẫn tiếp tục che giấu thông tin, khẳng định đoàn kiểm tra không phát hiện được gỗ sưa tại khu vực Hung Trí với các điều tra viên đến làm việc.

Về việc này, ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Vườn cho biết: "Không biết vì lý do gì mà ngay cả khi cán bộ điều tra Công an tỉnh đến làm việc, anh Huyên vẫn khẳng định rằng khi kiểm tra ở Hung Trí không phát hiện được gỗ. Nếu thời điểm phát hiện được gỗ, anh Huyên chỉ đạo cho quân giữ chặt và xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh thì hậu quả vụ đốn hạ 3 cây gỗ sưa cổ thụ ở Phong Nha-Kẻ Bàng chắc chắn sẽ giảm đi nhiều và tôi cũng bớt đi bao điều áy náy về trách nhiệm của mình khi để vụ việc xảy ra.” 

Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ của mình, với nhiều bằng chứng và lời khai khác nhau, cơ quan Công an tỉnh Quảng Bình đã đi đến kết luận: "Sau khi đoàn kiểm tra ra khỏi hiện trường, nhóm đối tượng khai thác đã lấy số gỗ cất giấu dưới cái hố bán cho một số người gồm 9 gùi, trọng lượng khoảng 400kg. Số gỗ còn lại 120 gùi, mỗi gùi có khối lượng khoảng 50-70 kg (dự ước khoảng 6 đến 8 tấn gỗ sưa-PV) được chia đều cho 11 người trong nhóm lâm tặc đốn hạ 3 cây gỗ sưa. Số gỗ sau khi chia xong, các đối tượng lâm tặc này đã thuê hàng trăm người vào gùi cõng để tẩu tán ra ngoài… Trong quá trình tẩu tán này, nhiều vụ cướp, trộm gỗ diễn ra giữa các nhóm lâm tặc, bảo kê và cả trong người dân đã phức phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn…"

Như vậy, việc làm của ông Nguyễn Văn Huyên trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ là hết sức bất thường và đằng sau cái sự bất thường này là gì vẫn còn là dấu hỏi lớn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là việc làm của ông Huyên đã gây thất thoát một lượng lớn gỗ sưa, gây thiệt hại tài sản Nhà nước nếu tính theo giá thị trường thời điểm đó phải lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc ra lệnh rút quân, để gỗ sưa rơi vào tay “lâm tặc” lại còn chính là hệ luỵ lớn nhất gây nên tình trạng cướp bóc, trộm gỗ và làm mất an ninh trật tự ngay tại trong Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và những xã gần đó như Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch của huyện Bố Trạch cả một thời gian dài sau đó.

Vấn đề đặt ra là tại sao với chức trách, nhiệm vụ Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, lại phụ trách trực tiếp công tác quản lý, bảo vệ rừng mà để lâm tặc triệt hạ ba cây gỗ sưa cổ thụ cộng với việc để xẩy ra hậu quả nghiêm trọng như được kể ở trên, song ông Nguyễn Văn Huyên lại chỉ bị xử lý hành chính. Tại sao cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình lại đồng nhất ý kiến chỉ đề nghị xử lý hành chính với ông Huyên.

Đây cũng chính là câu hỏi mà dư luận mong chờ có lời hồi đáp từ phía cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình./.

Song Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục