DN Việt Nam dự Hội chợ Hải sản quốc tế Boston

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam với 26 công ty là một trong những đoàn hùng hậu nhất tham dự Hội chợ Hải sản quốc tế Boston từ 10-13/3.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam với 26 công ty trong đó có 15 gian hàng riêng và một số gian hàng chung là một trong những đoàn hùng hậu nhất trong số gần 1.000 doanh nghiệp đến từ hơn 120 quốc gia tham dự Hội chợ Hải sản quốc tế Boston diễn ra tại bang Massachusetts (Mỹ) từ ngày 10-13/3.

Việt Nam hiện đứng thứ sáu trong số các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, với kim ngạch năm 2011 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Bản thân Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, và được dự báo có khả năng vượt thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai không xa, khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết còn kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại Hội chợ đều cho biết những kết quả ban đầu thu khá tích cực. Bà Thu Vân, đại diện của Công ty cổ phần Hùng Vương, cho hay gian hàng của công ty chỉ trong một buổi sáng đã tiếp xúc với nhiều nhà tiêu thụ và nhập khẩu của Mỹ cũng như đến từ các nước khác tham dự hội chợ bên cạnh những khách hàng quen thuộc. Ông Lê Tròn Vình, đại diện của doanh nghiệp Đại Thành (Tiền Giang), cho biết công ty đã tiếp xúc được với một số khách hàng và chỉ còn chờ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) phê duyệt hồ sơ là bắt đầu lên kế hoạch xuất hàng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận xét: "Đây là lần thứ mười bốn các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại Hội chợ hải sản ở Mỹ. Bên cạnh sự phát triển về số lượng còn là sự tăng lên về chất lượng, với công tác xúc tiến thương mại được chú trọng. Đặc biệt là sự chuyển hướng của các doanh nghiệp trong việc khai thác giá trị gia tăng các sản phẩm, như việc chúng ta hiện có hàng chục mặt hàng chế biến từ tôm để xuất khẩu."

Ông Nguyễn Hữu Dũng còn cho biết, cá ngừ đã nổi lên như một mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn. Trong năm 2011, chỉ riêng xuất sang thị trường Mỹ cũng đã thu về cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu loại cá này lên tới hơn 171 triệu USD, chiếm khoảng hơn 15% tổng giá trị.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác giá trị gia tăng, là vấn đề tay nghề của người lao động hiện chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm thô thành những sản phẩm đa dạng khác nhau.

Ông Huỳnh Văn Tấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), có mặt tại hội chợ, cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi khai thác giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, nhưng chất lượng lao động ở Việt Nam chưa cao. Và tỷ lệ chi phí bỏ ra để khai thác giá trị gia tăng hiện còn cao, khoảng 25-30% so với chế biến thô, trong khi lợi nhuận từ các mặt hàng giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 15%."

Trở ngại lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam vào thị trường Mỹ còn là các thủ tục chống bán phá giá do DOC áp dụng trong nhiều năm qua. Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết công ty đã phải trả 300.000 USD để thuê một công ty luật của Mỹ hoàn thiện hồ sơ chống bán phá giá, nhưng hiện vẫn đang chờ suốt 18 tháng qua phán quyết cuối cùng từ DOC, để có thể gia nhập danh sách các công ty xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Chính vì vậy bên lề hội chợ, Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức cuộc hội thảo tìm hiểu về luật pháp của Mỹ, cơ chế chống bán phá giá ở Mỹ cũng như các mô hình xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ với các công ty tư vấn luật hàng đầu của Mỹ./.

Tuấn Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục