Chính trường châu Âu: Đổi màu thời khủng hoảng

Tình hình kinh tế u ám ở châu Âu tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các đảng phái đối lập lên nắm chính quyền, điển hình là Tây Ban Nha. Cuộc chuyển giao quyền lực sẽ sớm được tiến hành và sau 1 tháng nữa, màu xanh, vốn được xem là tượng trưng cho những đảng cánh hữu, sẽ thay cho màu đỏ của những đảng cánh tả. Đó là điều không tránh khỏi và dường như đang là công thức chung trên chính trường châu Âu: khủng hoảng kinh tế làm lung lay kiến trúc thượng tầng và các đảng cầm quyền sẽ phải trả giá, bất kể xu hướng chính trị của mình ra sao.
Tình hình kinh tế u ám ở châu Âu tạo ra cơ hội tuyệt vời cho những đảng phái đối lập lên nắm chính quyền.

Cuộc bầu cử lập pháp ở Tây Ban Nha hôm Chủ nhật (20/11) vừa kết thúc với thắng lợi tuyệt đối của Đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) trước đối thủ là Đảng Xã hội (PS) cầm quyền của Thủ tướng Jose Luis Zapatero.

PP, với thủ lĩnh Mariano Rajoy, đã giành được 186 trên tổng cộng 350 ghế ở Hạ viện và 136 trên 208 ghế Thượng viện, đủ đa số tuyệt đối đề tự mình thành lập chính phủ.

Nhận định như tờ báo chính thống số 1 của Tây Ban Nha là El Pais thì “các cử tri Tây Ban Nha đã quyết định trừng phạt Đảng Xã hội vì khủng hoảng kinh tế.”

Dùng từ “trừng phạt” không quá chút nào bởi PS đã thất bại toàn diện, chỉ chiến thắng duy nhất ở 2 thành phố trên toàn Tây Ban Nha là Barcelona và Sevilla. Đó là kết quả kém cỏi nhất của PS kể từ năm 1976 và là chiến thắng lớn nhất trong lịch sử của Đảng PP.

Cuộc chuyển giao quyền lực sẽ sớm được tiến hành và sau 1 tháng nữa, màu xanh, vốn được xem là tượng trưng cho những đảng cánh hữu, sẽ thay cho màu đỏ của những đảng cánh tả.

Đó là điều không tránh khỏi và dường như đang là công thức chung trên chính trường châu Âu: khủng hoảng kinh tế làm lung lay kiến trúc thượng tầng và các đảng cầm quyền sẽ phải trả giá, bất kể xu hướng chính trị của mình ra sao.

Tây Ban Nha dĩ nhiên không phải trường hợp đầu tiên.
Bảy sự sụp đổ

Trước Tây Ban Nha, khủng hoảng kinh tế, cụ thể là những món nợ công khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đã đánh sập chính phủ cầm quyền ở 7 quốc gia khác ở châu Âu, đa số trong đó thuộc Eurozone.

Mới nhất và ầm ĩ nhất chính là Italy, với sự ra đi của ông Thủ tướng 76 tuổi nhiều tai tiếng Silvio Berlusconi để nhường chỗ cho một chuyên gia kinh tế là ông Mario Monti. Trung hữu hay trung dung giờ không quan trọng, nội các mới của Italy giờ nhìn vào giống như một Hội đồng giám khảo giải Nobel với toàn các chuyên gia kinh tế lão luyện.

["Vấn đề của Italy chính là ông Berlusconi"]

Trước đó ít ngày, Hy Lạp, với món nợ chiếm 142,8% GDP và tỷ lệ thất nghiệp 18,4% cũng đã quyết định trừng phạt vị Thủ tướng của Đảng Xã hội Papandreou, dù trên danh nghĩa là ông Papandreou đã tự nguyện từ chức. Lên thay ông Papandreou là nhà kỹ trị Papademos, người ngay lập tức tập hợp một đội ngũ gồm các thành viên đảng Xã hội, cánh hữu và thậm chí là cả cực hữu.

Hồi tháng 3/2011, sau khi kế hoạch khắc khổ lần thứ 4 được đưa ra để nhận lại khoản cứu trợ 78 tỷ euro, Bồ Đào Nha cũng chính thức thay đổi đảng cầm quyền. Vị Thủ tướng đảng Xã hội Jose Socrates ra đi để nhường ghế cho một đối thủ cánh hữu.

[Chính trường châu Âu: Kỹ trị thay chính trị gia]

Những thay đổi tương tự cũng đã đến ở Ireland, quốc gia thứ 3 trong Eurozone, sau Hy Lạp và Bồ Đào Nha, phải nhận cứu trợ từ liên minh châu Âu. Đảng Cộng hòa - Fianna Fail phải ra đi, nhường quyền lực cho liên minh giữa các đối thủ trung hữu Fine Gael và công đảng.

Ngay cả những quốc gia nhỏ bé thịnh vượng ở Bắc Âu cũng bị cuốn vào guồng xoáy. Ở Phần Lan, liên minh bảo thủ-dân chủ xã hội lên thay các đối thủ trung dung còn ở Đan Mạch, quốc gia không thuộc Eurozone, liên minh cánh tả đã đánh đổ chính phủ trung hữu chỉ vì 175.000 việc làm đã bị xóa bỏ trong 3 năm qua vì tác động khủng hoảng dây chuyền từ những láng giềng châu Âu.

Danh sách sụp đổ này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Pháp, Đức trong tầm ngắm

Ít nhất 4 chính phủ nữa đang lung lay và được dự đoán sẽ bị thay thế trong thời gian tới, gồm Slovakia, Slovenia, Đức và Pháp.

Tại Pháp, cường quốc kinh tế số 2 của Eurozone, nếu một cuộc bầu cử Tổng thống được tiến hành ngay lúc này chứ không phải là tháng 5/2012, ông Nicolas Sarkozy gần như chắc chắn sẽ thất bại trước đối thủ của đảng Xã hội Francois Hollande. Đơn giản, tỷ lệ thất nghiệp 9,9%, nợ công chiếm 84,5% GDP và chỉ số tín nhiệm AAA đang bị đưa vào tầm ngắm…. rõ ràng không phải là những thông tin khiến cử tri Pháp hài lòng.

[Pháp: Uy tín Đảng Xã hội tăng sau bầu cử sơ bộ]

Việc liên tiếp đưa ra những chính sách khắc khổ như tăng thuế VAT từ 5,5% lên 7% và cải cách hệ thống lương hưu cũng khiến thiện cảm đối với ông Sarkozy và đảng cánh hữu UMP của ông ngày một ít đi trong các cuộc thăm dò dư luận.

Người luôn sát cánh cùng ông Sarkozy trong việc giải cứu Eurozone thời gian qua là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có thể rơi vào tình huống tương tự, dù ít bi đát hơn.

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU của bà Merkel bị dự báo là sẽ mất nhiều ghế vào tay đối thủ Dân chủ xã hội - SPD trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2013 khi ngày càng nhiều cử tri Đức chỉ trích việc bà Merkel sử dụng quá nhiều tài lực của nước Đức để cứu các nước láng giềng và nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái trong năm 2012 do sự suy yếu của các đối tác nhập khẩu lớn (Pháp, Anh, Italy).

Rõ ràng là khủng hoảng kinh tế đã lan đến mọi ngóc ngách của châu Âu và chính trường là nơi phải trả giá (hay thay đổi) đầu tiên.

Dù cũng chẳng ai dám chắc những sự đổi màu trên chính trường đó liệu có thực sự tốt hơn hay không./.

Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục