Phản ứng thái quá?

"Sốt" cổ phiếu VCB: Thị trường phản ứng thái quá?

Việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận niêm yết gần 1,6 tỷ đồng cổ phần của VCB đã làm xảy ra hiện tượng tranh mua mã cổ phiếu này.
Đi ngược xu thế ảm đạm chung của toàn thị trường, phiên 16/5, sự tranh mua vội vã đã xảy ra với mã VCB (Vietcombank).

Diễn biến này là phản ứng với thông tin gần 1,6 tỷ cổ phần của VCB thuộc sở hữu nhà nước đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận niêm yết.

Có vào nhóm “đỡ giá”

Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi liệu VBC có rơi vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư chỉ số trở thành một trong vài mã chứng khoán nâng đỡ chỉ số thị trường trong thời gian vừa qua.

Nhìn nhận về vấn đền này, ông Ngô Quang Trung, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Hòa Bình, cho biết khi niêm yết thêm 1,6 tỷ cổ phiếu VCB sẽ vào top 5 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng VCB sẽ được kéo giá lên, song lên đến đâu thì khó tính được.

Nhiều chuyên gia trên thị trường có chung quan điểm, VCB cũng giống như các mã cổ phiếu blue chip khác như STB, DPM, PVD, CTG, mặc dù được khối ngoại gia tăng tỷ trọng song khó có thể chi phối thị trường vì khối lượng các cổ phiếu lưu hành trên thị trường khá lớn.

Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng gia, khẳng định việc VCB tăng khối lượng niêm yết cũng chưa nói lên điều gì. Mã cổ phiếu VCB khó có thể trở thành BVH hay MSN thứ hai (bởi đặc trưng các mã cổ phiếu này là có lượng cổ phiếu lưu hành thấp nên dễ chi phối tăng nóng, tăng nhiều phiên liên tiếp, có thể tạo đỉnh, sau đó quay về mức đáy và tiếp tục tạo lại con sóng khác).

Tăng trần bao phiên?

Kết thúc phiên 16/5, trên bảng điện tử lượng chào mua VCB giá trần (29.500 đồng/cổ phiếu) còn dư trên nửa triệu cổ phiếu không được đáp ứng. Thanh khoản của VCB trong phiên đạt 482 nghìn cổ phiếu.

“Tác động của VCB là tác động riêng lẻ của một cổ phiếu có thông tin cá biệt vì thế hầu như không lôi kéo được tâm lý chung thị trường. Dòng tiền vẫn đang yếu, nhà đầu tư cần phải quan sát động thái của thị trường, hôm nay có thể là phản ứng hơi thái quá, nhưng theo tôi chắc ngày mai VCB sẽ khó tăng trần được nữa,” ông Trung nói.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng ở mức giá 29.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu của VCB là tương đối an toàn. Do các tổ chức nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu này khá lớn nên mức dao động thường ổn định và có sự định giá nhìn chung là cao.

Phân tích động thái giao dịch tại mã VCB, ông Việt đưa ra quan điểm, dòng tiền trên thị trường vào đến đâu thì nhà đầu tư có thể theo đến đấy, không nhất thiết phải quá cảnh giác, song cũng phải cân nhắc lại thông tin này có đáng giá không.

“Theo quan sát cá nhân tôi, trước đó các nhà đầu tư nước ngoài đã mua bán xen kẽ liên tục đối với mã cổ phiếu VCB, do đây là mã cổ phiếu khó tạo sóng hơn so với các mã blue chip khác và thông thường sóng của nó ngắn, không bền,” ông Việt nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư lâu năm cho rằng, “Kỳ vọng mã cổ phiếu VCB tăng nóng theo 'cuộc chơi' chỉ số là hão huyền. Tình hình kinh doanh của khối ngân hàng hiện nay khá căng thẳng. Hơn nữa, trong phiên hôm nay cùng với việc hai mã ngân hàng là CTG, VCB  tăng giá  bất thường,  theo kinh nghiệm của tôi khi các cổ phiếu ngân hàng bắt đầu đỡ thị trường tức là dấu hiệu không tốt, thường là sự bắt đầu một đợt suy thoái mới.”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục