Thường vụ Quốc hội thống nhất về kỳ họp thứ 8

Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, diễn ra từ 20/10 đến 27/11.
Chiều 25/8, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Thường vụ Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20/10 đến 27/11 (32 ngày), dự kiến thông qua 9 dự án Luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Các dự án luật được thông qua tại kỳ họp này gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân; Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chín dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật kiểm toán độc lập; Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật đo lường; Luật phòng, chống buôn bán người; Luật lưu trữ; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật thủ đô.

Như vậy, khác với dự kiến được thống nhất tại phiên họp thứ 32, Luật cơ yếu sẽ chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 để tiếp tục chuẩn bị chu đáo hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đồng ý với đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình là tại kỳ họp, Chính phủ có báo cáo giải trình về tình hình thực hiện chương trình trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010, dự kiến chương trình 2011-2015 và báo cáo chính thức về việc cho các công ty nước ngoài trồng rừng và chế biến gỗ.

Đối với đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thống nhất những vấn đề nội dung dự thảo đã đưa vào chương trình nghị quyết thực hiện luật, pháp lệnh thì kiên quyết phải thực hiện bằng được, nếu có vấn đề nào chưa ổn thì nên chủ động rút sớm.

Những luật nào sẽ thông qua cần được sắp xếp lên trước để các cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, giải trình Quốc hội chỉnh lý, thông qua. Các dự án luật cơ bản được đưa vào cho ý kiến tại phiên họp thứ 34 để có thời gian giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chắc chắn, phiên họp thứ 35 được dành để tập trung giải quyết các vấn đề khác.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo nhất là việc xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.

Có ý kiến cho rằng nếu không tiếp tục tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường sẽ phải sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992. Song, sửa đổi vào thời điểm nào thì vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng bày tỏ việc sửa đổi Hiến pháp 1992 ngay tại kỳ họp thứ 8 là không thể chấp nhận được, vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc. 

Ông Trần Thế Vượng cho rằng không thể viện lý do tháng 5/2011 bầu Hội đồng Nhân dân mà vội vàng, tư duy đơn giản.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng không thể tại một kỳ họp mà sửa những nội dung dù rất bé trong Hiến pháp, phải đảm bảo quy trình.

Nếu Ban Chấp hành Trung ương quyết định không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường thì ngay sau Hội nghị Trung ương, Thường vụ Quốc hội phải họp lại, thành lập trước ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và có buổi họp cụ thể cho ý kiến để kịp với tiến trình.

Cùng chung nhận thức về tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp, song các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng lại cho rằng trong thực tế, một số lần sửa đổi Hiến pháp cũng chỉ diễn ra tại một kỳ họp. Do vậy, có thể tổ chức thêm một kỳ họp về vấn đề này.

“Nếu có chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương thì nên tổ chức một kỳ họp riêng về sửa đổi hiến pháp và Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân dù chỉ sửa 1-2 điều, bởi nó còn liên quan đến một loạt luật khác và liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy nhà nước. Xem xét báo cáo thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường là vấn đề lớn,” Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định phải chủ động cả hai phương án. Nếu vẫn chỉ làm thí điểm thì không có vấn đề gì. Trường hợp Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đồng ý bỏ Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước, phải chủ động chuẩn bị các bước để sửa đổi Hiến pháp, kịp cho bầu cử.

Kỳ họp thứ 8 chưa thể thông qua, có thể tổ chức thêm kỳ họp vào cuối năm để chặt chẽ hơn.

Phát biểu kết thúc phiên họp thứ 33, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan hữu quan trên cơ sở đóng góp của Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện các dự án luật được trình tại kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội điều chỉnh chương trình, nội dung kỳ họp, tích cực chuẩn bị cho phiên họp thứ 34 và 35.

Vào buổi sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2011./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục