ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm 2012 có thể chỉ đạt 8,2% và năm 2013 đạt 8,5%, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Trong báo cáo được công bố ngày 12/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong cả năm 2012 có thể đạt 8,2% và năm 2013 đạt 8,5%, thấp hơn so với các tỷ lệ tương ứng 8,5% và 8,7% mà ADB dự báo hồi tháng Tư.

Việc ADB điều chỉnh giảm mức tăng trưởng của Trung Quốc là do kim ngạch xuất khẩu, sản lượng công nghiệp và đầu tư bất động sản của nước này đều giảm trong thời gian qua.

Theo ADB, vì Trung Quốc đang đi theo mô hình tăng trưởng bền vững hơn, nên tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn mức dự kiến.

Báo cáo của ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển. ADB cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục diễn biến xấu cộng với kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ đều giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của châu Á.

ADB dự đoán tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ chỉ tăng 6,6% trong năm nay và 7,1% trong năm sau, thấp hơn mức dự báo trước đó là 6,9% trong năm nay và 7,3% năm 2013.

ADB còn cảnh báo ngành điện khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, điện năng dựa trên nguồn nhiên liệu hóa thạch là những lĩnh vực dễ bị tổn thương, và than đá sẽ là nguồn nhiên liệu chính cho sản xuất điện của châu Á trong nhiều thập kỷ tới.

Trong báo cáo "Rủi ro khí hậu và thích ứng trong lĩnh vực sản xuất điện" do ADB vừa công bố, các chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, bao gồm cả khai thác nhiên liệu sản xuất điện, vận chuyển nhiên liệu cho nhà máy điện, phát điện, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng.

Điều đáng quan ngại là phần lớn các cơ sở hạ tầng điện lực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được đặt tại những nơi mà thời tiết được dự báo sẽ có biến động phức tạp, chẳng hạn như các khu vực dễ bị ngập lũ do ở vùng thấp, vùng trũng, hoặc có nhiều nguy cơ bị hạn hán hay chịu bão cấp độ lớn.

Lượng mưa quá nhiều gây độ ẩm cao có thể làm giảm chất lượng của các kho dự trữ than đá.

Tình trạng lũ lụt còn ảnh hưởng lớn đến sản lượng và công tác vận chuyển than, qua đó tác động tiêu cực đến sản xuất và truyền tải điện.

Báo cáo của ADB khuyến nghị trong quá trình phát triển khai thác mỏ than mới và cũ, chính quyền và các ban ngành cần chú trọng cải thiện hiệu quả công tác đánh giá nguy cơ lũ lụt; đánh giá lại các khu vực dễ bị lũ lụt; nâng cao các tòa nhà hoặc các thành phần dễ bị tổn thương trên mức đường viền lũ 100 năm; xây dựng các tòa nhà chống lũ và áp dụng công nghệ, kỹ thuật để làm chậm, uốn lái và khống chế các dòng chảy./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục