Đầu tư thêm 10 tỷ USD cho phòng chống HIV/AIDS

Theo tiến sỹ Hiroki Nakatani, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về các bệnh HIV/AIDS, cần đầu tư thêm 10 tỷ USD nữa cho phòng chống HIV/AIDS.
Tiến sỹ Hiroki Nakatani, Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các bệnh HIV/AIDS, lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới, cho rằng cộng đồng thế giới vẫn cần tăng cường cam kết dài hạn để đảm bảo thành công của cuộc chiến này trên toàn cầu trong tương lai.

Theo ông, cần đầu tư thêm 10 tỷ USD nữa cho Quỹ phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu trong năm nay.

Báo cáo hàng năm về tiến triển của cuộc chiến toàn cầu chống HIV/AIDS được WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công bố ngày 27/9 cho biết các nước thu nhập thấp và trung bình đã đạt được tiến bộ lớn trong quá trình tăng cường và mở rộng tiếp cận dịch vụ phòng chống và điều trị hiệu quả dịch bệnh này.

Đánh giá tiến triển của cuộc chiến chống HIV/AIDS ở 144 nước thu nhập thấp và trung bình, báo cáo nhận định tiến bộ trong việc phổ cập tiếp cận các dịch vụ phòng chống và điều trị bệnh HIV/AIDS hoàn toàn có thể đạt được ở tất cả các nước trên thế giới, nhưng cam kết này chưa được thực hiện thành công và đồng đều trên toàn cầu.

Những trở ngại đối với việc tăng số người được điều trị vẫn dai dẳng ở hầu hết các nước do thiếu nguồn tài chính, nguồn nhân lực y tế hạn chế, các thủ tục phức tạp và hệ thống quản lý việc chẩn đoán và nguồn cung cấp thuốc yếu kém, hệ thống y tế trì trệ.

Theo báo cáo trên, trong năm 2009, nỗ lực chống HIV/AIDS đã tiến triển tích cực nhất ở khu vực Đông và Nam Phi, hai khu vực bị dịch bệnh này tác động nghiêm trọng nhất. Số người nhiễm HIV ở đây được điều trị đã tăng từ 31 lên 41% trong vòng một năm. Hơn 50% số bà mẹ mang thai đã được xét nghiệm và tư vấn chống lây truyền từ mẹ sang con.

Cũng trong năm 2009, có 5,25 triệu người nhiễm HIV ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã được điều trị, chiếm 36% số người bị nhiễm HIV cần điều trị, tăng hơn 1,2 triệu người so với năm 2008.

Số người được điều trị ở khu vực tiểu sa mạc Sahara châu Phi tăng từ 2,95 triệu cuối năm 2008 lên 3,91 triệu người vào cuối năm 2009, chiếm 37% số người bị nhiễm HIV. Con số này ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe là 50%, Đông, Nam và Đông Nam Á là 31%, châu Âu và Trung Á là 19%, Bắc Phi và Trung Đông là 11%.

Báo cáo cho rằng những thách thức trong cuộc chiến toàn cầu chống HIV/AIDS vẫn gay gắt. Sự tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV của những cộng đồng dân cư có nguy cơ nhiễm HIV cao vẫn rất hạn chế.

Trong khi nguồn máu sử dụng trong y tế ở các nước thu nhập trung bình và cao được kiểm tra an toàn lần lượt là 85 và 99%, ở các nước thu nhập thấp chỉ đạt 48%.

Kết quả khảo sát ở 10 nước thu nhập thấp và trung bình cho thấy có tới hơn 60% người bị nhiễm HIV không biết hiện trạng nhiễm HIV của mình. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định những cơ hội mới đã mở ra cho cuộc chiến chống HIV/AIDS về nguồn đầu tư và hiệu quả điều trị.

Liên hợp quốc kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp táo bạo và đột phá để vượt qua những trở ngại về cơ cấu và pháp lý trong phòng chống và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt khi Liên hợp quốc phát động chiến lược toàn cầu mới chống HIV/AIDS trong thời kỳ 2011-2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục